Bà Phạm Thị Bích Lương- nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội phải bồi thường gần 1.400 tỷ đồng nhưng mới chỉ nộp lại hơn 1 tỷ đồng đã... hết tài sản (?!). |
Như Dân trí đã phản ánh, cuối tháng 12/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án với 18 bị cáo trong vụ tham nhũng tại Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội do Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc chi nhánh) cầm đầu.
Theo nội dung vụ án, biết Công ty Enzo Việt của 5 người nước ngoài đã hết hợp đồng, bà Phạm Thị Bích Lương, Chử Thị Kim Hiền - nguyên Phó giám đốc đã kết nối với Lê Minh Hiếu (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty Vietmade) để thông qua hai công ty này tiếp tục cho vay và nâng quyền phán quyết.
Từ năm 2007 đến năm 2011, các công ty này dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống nhằm vay Agribank Nam Hà Nội tới hàng chục triệu USD và phần lớn tiền vay đã bị nhóm bị can nước ngoài chiếm đoạt. Vụ án được khởi tố vào tháng 9/2012.
HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền cùng mức án 30 năm tù với cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc các bị cáo liên quan phải bồi thường cho Agribank Việt Nam 2.500 tỉ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Bích Lương bị buộc liên đới bồi thường gần 1.400 tỷ đồng (án sơ thẩm là gần 1.600 tỷ), bà Hiền hơn 380 tỷ đồng (sơ thẩm trên 400 tỷ). Toà cũng tuyên tiếp tục phong toả các tài khoản, tài sản đã kê biên trong đó có chiếc xe sang Bentley của bà Phạm Thị Bích Lương để đảm bảo thi hành án.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí ngày 1/4, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết việc thu hồi tài sản trong vụ đại án này đạt tỷ lệ rất thấp. Trong đó riêng bà Phạm Thị Bích Lương, cơ quan thi hành án dân sự chỉ mới thu hồi được trên 1 tỷ đồng từ việc xử lý tài sản kê biên là chiếc xe ô tô và cuốn sổ tiết kiệm.
Sau khi xác minh thấy bà Lương đã hết tài sản, mới đây Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án đối với số tiền còn lại. Ông Lê Quang Tiến khẳng định việc này được thực hiện hoàn toàn đúng luật. Mặc dù phải thi hành án, thu hồi một số lượng tiền rất lớn nhưng tài sản của những người liên quan bị kê biên, phong toả, đảm bảo thi hành án chả đáng là bao nhiêu.
Trong năm 2017 cơ quan này cũng đã ra quyết định không có điều kiện thi hành án đối với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines vì xác minh thấy “không còn tài sản”.
Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa (Hà Nội) cũng đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án khoản tiền trên 38 tỷ đồng của ông Trần Hữu Chiều - cựu Phó Tổng giám đốc Vinalines vì lý do tương tự.
Ngoài ra, khoảng 1.000 tỷ đồng trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) không có khả năng thu hồi được. Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị toà tuyên phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng nhưng đến nay chả “nộp lại” được bao nhiêu.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí