Trong tỉnh

Hồi âm bài viết “Dân “bò” qua kênh bằng thang sắt”: Chính quyền đã làm cầu mới cho dân

Báo Gia đình & Xã hội số 90 (ra ngày 29/7) có bài viết phản ánh về việc 56 hộ dân tại thôn 6 (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị cô lập với cuộc sống bên ngoài do chính quyền phá cầu tạm với lý do để khơi thông dòng chảy. Sau khi Báo đăng, chính quyền địa phương đã cho làm một cây cầu mới cho dân đi lại.

Cầu mới đã làm người dân vô cùng phấn khởi. Ảnh: N.hưng

Sáng 31/7, chúng tôi có mặt tại thôn 6, nhận thấy chính quyền địa phương đã tiến hành khôi phục lại cây cầu tạm. Anh Nguyễn Văn Hải (trú tại thôn 6) phấn khởi: “Người dân trong thôn rất cám ơn Báo Gia đình & Xã hội. Nhờ những phản ánh kịp thời của Báo, xã Thành Lộc đã tiến hành làm cây cầu tạm mới để chúng tôi đi lại. Toàn bộ kinh phí do UBND xã Thành Lộc bỏ ra, chúng tôi chỉ mất 2 ngày công và một ít đất đắp nền. Hiện người dân không còn phải “bò” trên chiếc thang sắt chông chênh nữa. Chúng tôi mừng lắm”.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi như anh Hải, ông Phạm Văn Nghệ (70 tuổi) cho biết, khi cầu tạm bị phá bỏ, người trẻ mới dám “bò” trên thang sắt để sang bên kia sống, chứ người già như ông Nghệ chỉ còn cách quanh quẩn trong thôn. Nhiều khi muốn sang thôn bên cạnh chơi hay đi thăm người thân ông đành “chịu chết”. Ông Nghệ nói: “Mặc dù chưa có được cây cầu kiên cố, nhưng việc chính quyền khôi phục cây cầu tạm để thuận lợi cho người dân đi lại khiến người dân vô cùng phấn khởi. Giờ đây tôi có thể sang thôn khác chơi mà không sợ bị trượt chân ngã xuống kênh nữa. Thay mặt người dân trong thôn, chúng tôi vô cùng cám ơn quý Báo đã chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến các cấp có thẩm quyền”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Tấn - Chủ tịch UBND xã Thành Lộc cho biết: “Sau khi Báo Gia đình & Xã hội phản ánh, UBND xã đã xin ý kiến và được UBND huyện Hậu Lộc đồng ý cho khôi phục cây cầu tạm để các hộ đi lại an toàn và thuận lợi hơn. Toàn bộ kinh phí hết 20 triệu đồng do UBND xã trích từ ngân sách, các hộ dân chỉ đóng góp ngày công. Hiện chúng tôi không thể làm cầu kiên cố vì kinh phí rất nhiều, hơn nữa lại không có trong quy hoạch. Cái thiếu sót của chúng tôi là khi phá dỡ cầu cũ chưa có phương án làm cầu mới ngay khiến người dân bức xúc”.

Liên quan đến việc thu 5 triệu đồng/hộ dân để làm đường điện và cầu, tổng số tiền xã thu của 23 hộ là 115 triệu đồng nhưng không đưa vào ngân sách xã, ông Tấn cho biết: “Là xã khó khăn, nguồn thu ít trong khi các công trình cấp thiết khác đã xuống cấp trầm trọng nên UBND xã dùng số tiền trên đầu tư vào sửa sang trường học và Trạm Y tế xã”.

Báo Gia đình & Xã hội hoanh nghênh tinh thần tiếp thu và cầu thị của UBND huyện Hậu Lộc và xã Thành Lộc. Với việc cây cầu tạm được khôi phục, giờ đây người dân đã thuận lợi hơn trong việc đi lại.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: hồi âm , làm cầu , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok