Giáo dục

Học sinh Hà Nội bất ngờ với cách ra đề thi thử Ngữ văn

Nhiều học sinh Hà Nội sau khi làm bài thi thử kỳ thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn, diễn ra vào sáng nay, 15/3, cho rằng, đề không quá hóc búa, nhưng nội dung kiến thức ra đề liên quan nhiều đến chương trình lớp 11 nên các em hơi bất ngờ.

Hôm nay (15/3), học sinh khối 12 ở Hà Nội chính thức bước vào ngày đầu tiên của đợt khảo sát thi thử THPT Quốc gia 2018. Học sinh sau 120 phút làm bài đều cho rằng, đề thi không khó nhưng khá nặng, mang tính phân loại. Đặc biệt các em khá bất ngờ khi có sự xuất hiện của kiến thức lớp 11.

Dưới đây là đề thi môn Ngữ văn:

Đề thi thử môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Hà Nội, diễn ra sáng nay 15/3. Ảnh: D.H

Chia sẻ sau buổi thi, Vũ Ngọc Huyền Nhi - lớp 12 trường THPT Việt Đức cho biết, có hai điều khiến Nhi hơi… rối vì bất ngờ xuất hiện nằm ngoài dự đoán của em. Đó là bài thơ “Sóng” của tác giả Xuân Quỳnh – tác phẩn mà Nhi cho rằng khá dễ và phần lớn em và các bạn đều không đưa vào danh mục ôn thi của mình.

Bất ngờ thứ hai chính là bài thơ “Vội vàng” của tác giả Xuân Diệu. Theo Nhi, chương trình lớp 11 gần như chỉ lướt qua, chỉ chú trọng phần kiến thức lớp 12 theo đúng hướng dẫn ôn tập của Bộ GD&ĐT. Chính vì không chú trọng nên khi ôn tập lại bài trước khi thi, em học khá sơ sài, không có sự xâu chuỗi.

Học sinh THPT Việt Đức sau buổi thi thử môn Ngữ văn sáng nay 15/3. Ảnh: D.H

Nói về tính phân loại của đề, Hoàng Lan Anh, học sinh trường THPT Kim Liên cho biết, câu 2 phần viết văn là câu khó, có tính phân loại cao. Học sinh muốn làm hết bài phải vận dụng tối đa thời gian làm bài do đề thi khá dài, đòi hỏi phải đọc kỹ. “Em nghĩ bạn nào không chuyên về môn này sẽ cảm thấy khó khăn khi làm bài, khó đạt được trên 8 điểm” - Nhi cho biết.

Cũng theo Lan Anh, vấn đề kỹ năng làm bài cũng là trở ngại không nhỏ với những ai không học chuyên Văn. Ví dụ với câu 2 phần làm văn, thông thường, người làm sẽ phân tích dàn trải, nhưng đề thi lần này có sự kết hợp để phân tích so sánh giữa hai bài thơ. Điều này khiến học sinh phải thay đổi cách học. “Bạn nào không học hoặc không nắm chắc nội dung của hai bài thơ thì sẽ mất rất nhiều thời gian trong tìm điểm chung của hai bài thơ “Sóng” và “Vội vàng”.

Theo nhiều học sinh, so với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đưa ra thì đề thi thử lần này của Sở GD&ĐT dễ thở hơn. Các em cảm thấy không quá khó khăn để có thể đạt mức điểm khoảng 7 - 8 điểm. Tuy nhiên, để đạt được trên điểm 8 thì rất khó, cho thấy tính phân loại của đề rất rõ.

Chiều nay, học sinh tiếp tục làm bài thi thử môn Toán. Môn thi này theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian làm bài là 90 phút. Quá trình làm bài thi, trông thi và chấm thi, theo Sở GD&ĐT sẽ hoàn toàn giống cơ cấu của kỳ thi chính thức THPT Quốc gia, nhằm giúp các em tập dượt cho kỳ thi chính sắp tới vào tháng 6/2018.

* Kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố từ ngày 14/3 đến 17/3, được thực hiện như kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, chậm nhất ngày 31/3, các cụm trưởng trường THPT nộp kết quả kiểm tra khảo sát về Sở. Với đợt khảo sát này, các trường tuyệt đối không được lấy điểm kiểm tra khảo sát vào điểm kiểm tra định kỳ theo quy định.

* Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

* Riêng học sinh chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).

Tác giả: Phúc Nguyên

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: Học sinh Hà Nội , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok