|
Kim Hye - young, giáo viên tiếng Hàn tại Trường THCS Guro cho biết, các trẻ em đa văn hóa ở trường của cô thường bị bạn cùng lớp phân biệt đối xử.
GS Park Sung-chonn, giảng dạy về giáo dục đạo đức ở ĐH Quốc gia Seoul cho biết, ông đã quan sát kỹ trong khi phỏng vấn những trẻ em đa văn hóa. “Một đứa trẻ có cha mẹ là người Mông Cổ mà tôi phỏng vấn kể rằng em bị phân biệt đối xử ở khắp mọi nơi, trong lớp học, sân thể thao hay sân trường”, Park nói tại một diễn đàn gia đình đa văn hóa do Bộ Gia đình và Bình đẳng giới tổ chức.
Do những tình huống như vậy mà tỷ lệ bỏ học ở học sinh đa văn hóa cao gấp 4 lần học sinh bản xứ, theo số liệu công bố năm 2014 của Bộ Giáo dục. Khi các trẻ em ra đời từ những cuộc hôn nhân dị chủng tham gia hệ thống giáo dục công lập, các trường học trở thành nền tảng thử nghiệm trước tiên cho một xã hội đa văn hóa.
Mỗi năm có khoảng 20 ngàn học sinh đa văn hóa vào các lớp tiểu học. Khoảng 90% đối tượng này là trẻ ra đời từ những cuộc hôn nhân giữa người Hàn Quốc và người nước ngoài. Kim cho biết, những đứa trẻ này có tiềm năng to lớn do hiểu biết cả hai ngôn ngữ. “Chúng có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu và sẽ xây dựng cầu nối giữa Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới. Hiện tại, cần có sự hỗ trợ về mặt giáo dục cho học sinh đa văn hóa ở trường, đặc biệt những em không nói tốt tiếng Hàn Quốc, do chúng ra đời ở nước ngoài”. |
Tác giả: Tố Linh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại