Giáo dục

Học sinh co ro trong giá lạnh

Lâu nay, trẻ em miền núi luôn có một uớc mơ để học con chữ, ước mơ được đến trường trong sự no ấm, đầy đủ. Tại huyện miền núi Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), các em học sinh phải vượt qua những con đường rừng nhiều cây số để biến điều đó thành sự thật. Vượt qua được trở ngại về địa lý nhưng nơi đây các em còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Nậm Pồ là huyện mới thành lập của tỉnh Điện Biên, có 8/15 xã là xã biên giới, phía Đông giáp huyện Mường Chà, phía Tây giáp huyện Mường Nhé và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Nam giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Bắc giáp huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Huyện Nậm Pồ có diện tích tự nhiên 1.498 km²; dân số gần 44.000 nhân khẩu thuộc 10 dân tộc với trên 95% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học và Trung học Cơ sở Nậm Tín (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) trong những ngày mùa đông lạnh giá, ở đây hầu hết các em học sinh là người dân tộc thiểu số. Hai ngôi trường với 500 học sinh, các em đều phải vượt qua nhiều khó khăn để đến đây học tập. Trong cái thời tiết giá lạnh nhưng các em học sinh vẫn chưa có đủ chăn ấm để đắp, điều kiện vật chất nhà trường còn còn thiếu thốn. Hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Tín, thầy Nguyễn Văn Kiên chia sẻ với chúng tôi nhiều khó khăn về điều kiện giảng dạy và học tập nơi đây của các em học sinh. Hiểu được sự vất vả khi đến trường của học sinh, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây dựng được một số phòng học, lán cho học sinh ở trọ tại trường để các em có thể yên tâm học tập.

Những hình ảnh thương tâm của các em học sinh tại trường Nậm Tín, Nậm Pồ
Nơi đây do địa hình miền núi, đường đi lối lại toàn là đường rừng, trường học nằm cách xa nhà nên các em học sinh đều phải vượt quãng đường rất xa để đến được trường. Do vậy nhà trường bố trí cho các em học sinh ở nội trú tại trường để tránh các em đi lại vất vả. Mặc dù được sự quan tâm, giúp đỡ nhưng so với số lượng học sinh rất lớn mà số lượng phòng ở chỉ đáp ứng được số lượng rất ít so với nhu cầu của các em học sinh. Chính vì thế, nhà trường chỉ ưu tiên được những em ở xa, còn nhiều em học sinh hằng ngày vẫn phải băng rừng, vượt núi đến trường trong thời tiết lạnh giá.

Một ngôi trường khác ở huyện Nậm Pồ là Trường tiểu học Phìn Hồ có khoảng 400 em học sinh. Nơi đây các em học sinh cũng gặp nhiều khó khăn không kém so với Nậm Tín. Các nhà hảo tâm đã nhiều đợt quyên góp ủng hộ nhà trường đã xây dựng được một số phòng, lán cho học sinh ở trọ tại điểm chính của trường và các điểm bản. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa bố trí nơi ăn ở đầy đủ cho các em khi cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi cho biết: "Mùa đông năm nay, dự báo sẽ kéo dài và rất lạnh mong rằng các em sẽ có đủ chăn ấm để đắp, đảm bảo sức khỏe học hành".

Các em phải ngủ trong giá rét

Tại các vùng núi trong đó có Nậm Pồ, mùa đông giá rét thực sự là nỗi khổ không chỉ của người dân mà còn là của các em học sinh. Khi nhiệt độ ở đây rất lạnh, các bạn học sinh không có đủ chăn ấm để đắp, nếu có thì cũng chỉ là những chiếc chăn mỏng đắp để cho đỡ lạnh. Cơ sở vật chất thiếu thốn không đảm bảo sức khỏe, nhiều em học sinh còn ít tuổi, có thể rất dễ bị ốm đau, bệnh tật.

Việc học tập của các em học sinh là vô cùng quan trọng nhưng đối với các trường vùng cao thì khó khăn tăng thêm gấp bội. Nơi đây, thầy cô đều băn khoăn làm sao để các em được vui vẻ cắp sách tới trường hăng say học tập. Mùa đông lạnh giá thực sự khiến các em gặp nhiều khó khăn trong ăn ở, học tập. Những người hiệu trưởng như thầy Kiên, thầy Khoa mong mỏi hơn những tấm lòng hảo tâm để có thể lo cho các em một cách đầy đủ nhất.

Mọi đóng góp quý bạn đọc xin gửi trực tiếp về Trường Tiểu học Phìn Hồ (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Tin (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ). Hoặc Báo Nhà báo và Công luận, Lô E2 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok