Trong tỉnh

Hoãn tất cả các cuộc họp để ứng phó bão số 4

Để chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 4 cho các ngành ở tỉnh Thanh Hóa, sáng ngày 16/8, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó bão số 4.

Do ảnh hưởng của bão số 4, sáng nay, hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa. Dự báo bão số 4 diễn biến phức tạp, đổ bộ vào Thanh Hóa, nguy cơ mưa to gây lũ trên các sông, suối.

Theo báo cáo, đến 6h sáng hôm nay, (ngày 16/8), 100% phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão, trong đó 417 phương tiện neo đậu tránh trú bão ở các tỉnh ngoài. Tất cả các phương tiện tàu thuyền đều đang giữ liên lạc được với gia đình.

Quang cảnh cuộc họp khẩn của UBND tỉnh Thanh Hóa để triển khai công tác ứng phó với con bão số 4.

Tại tỉnh Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa, 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, trong đó có 9 hồ đã chỉ đạo không tích nước; 40 công trình trọng điểm về đê điều, trong đó, có 1 trọng điểm loại I, 16 trọng điểm loại II. Các trọng điểm về hồ đập và đê điều đều đã được triển khai thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 7.000 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cùng bà con ngư dân TP Sầm Sơn đối phó với cơn bão số 3 vừa qua.

Chỉ đạo về những nhiệm vụ cần triển khai khẩn cấp, nhằm ứng phó với bão số 4, đặc biệt là tình hình mưa to ở khu vực phía Tây của tỉnh, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngay sau cuộc họp, tất cả các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 4, nhất là các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều và hồ đập.

Đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho hệ thống đê Sông Chu, đê Sông Bưởi, sông Hoạt; rà soát, di dời khẩn cấp các hộ dân đang sống ở khu vực ven suối, ven sông, sườn đồi và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao; các huyện ven biển tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi và đảm bảo thông tin liên lạc, có phương án đảm bảo an toàn cho các lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản, không để người dân ở lại các khu nuôi trồng thủy sản. Sẵn sàng phương án di dân trong phạm vi 200 m từ mép nước khi có lệnh .

UBND tỉnh chỉ đạo Chi Cục thủy lợi và Công ty thủy nông sông Chu theo dõi chặt chẽ lượng mưa, lưu lượng xả nước của thủy điện Hủa Na (tỉnh Nghệ An) để quyết định mức xả nước, đảm bảo giữ mực nước hồ thủy điện Cửa Đặt luôn ở mức dưới 105m.

Ngành nông nghiệp và các đơn vị thủy nông phải trực 24/24 giờ, khi nước sông thấp hơn nước đồng thì mở ngay các cửa cống để tiêu úng; các đơn vị duy tu, bảo trì đường bộ phải huy động phương tiện, nhân lực để có thể xử lý ngay các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó bão số 4, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra đối với tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Duy Duẩn

Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Pháp luật

  Từ khóa: Cấm biển , Bão số 4 , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

ok