Thế giới

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ ra sao nếu như không có Mỹ?

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được cho là sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn, gây trở ngại cho các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu

Khói bốc lên từ các nhà máy đốt than tại bang Wyoming (Mỹ). Ảnh: Reuters

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được 195 quốc gia thông qua trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris vào năm 2015, được tạo ra nhằm cắt giảm lượng khí thải và duy trì mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Theo kênh truyền hình CNN, tối 1/6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris. Dường như quyết định này đưa Mỹ đi ngược hướng so với gần như tất cả các quốc gia.

Theo các nhà khoa học, bất kỳ sự trì hoãn nào trong nỗ lực ngăn chặn hiệu ứng nhà kính của Mỹ sẽ khiến chính quốc gia này và cả thế giới chịu tổn thất trong dài hạn. Phần lớn các nhà khoa học đều nhất trí nhiệt độ tăng cao sẽ khiến mực nước biển tăng, các thành phố ven biển rơi vào cảnh ngập lụt, biến mất trên diện rộng, khủng hoảng di cư, hạn hán, mùa màng thất thu, bão lớn, nắng nóng kéo dài…

Mô hình khí hậu của tổ chức phi lợi nhuận Climate Interactive cho thấy Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến các nước gặp khó khăn nhiều hơn trong việc ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng lên hơn 2 độ C khi đến năm 2100. Việc Mỹ rút lui và không hành động, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 0,3 độ so với mức nếu nước này vẫn còn tham gia hiệp định.

Một nghiên cứu vào tháng 12/2016 được đăng trên tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên nhận định sự rút lui của Mỹ có thể khiến các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris “không thể đạt được”.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, Mỹ là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách các nước thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2015, Mỹ đã thải ra 5,1 triệu kiloton CO2, nhiều hơn lượng khí của cả 28 nước Liên minh châu Âu gộp lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải trên toàn cầu.

Cựu Tổng thống Barack Obama trong suốt nhiệm kỳ đã nỗ lực rất nhiều để cắt giảm lượng khí thải do Mỹ sản sinh ra, nhằm ngăn chặn thảm họa thay đổi khí hậu. Nhưng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký các sắc lệnh giúp việc khai thác than trở nên dễ dàng hơn cũng như loại bỏ Kế hoạch Hành động Khí hậu năm 2013 của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều nhất trí với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ gây thảm họa đối với nỗ lực đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Giáo sư chính trị môi trường Đại học Sydney David Schlosberg nhận định các quốc gia khác, như Trung Quốc và Ấn Độ có thể thay thế làm phần việc của Mỹ, khiến nước Mỹ bị cô lập về mặt chính trị.

Giáo sư Schlosberg khẳng định: “Tôi nghĩ vẫn sẽ có nhiều bang và địa phương ở Mỹ giúp quốc gia này đạt được mục tiêu mà đã tình nguyện cam kết trước đó”. Bang California trước đó cũng đã tuyên bố sẽ hoàn thành phần việc trong trường hợp Tổng thống Mỹ rút khỏi hiệp định.

Không chỉ có vậy, một chính quyền Mỹ trong tương lai có thể sẽ luôn thay đổi phương hướng trong chính sách khí hậu, thậm chí tìm cách gia nhập lại Hiệp định Paris một khi Tổng thống Donald Trump rời khỏi nhiệm sở.

Theo tờ New York Times, một số nhà phân tích lo lắng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ giúp Trung Quốc – quốc gia sản sinh ra lượng khí thải nhiều nhất thế giới - đóng vai trò chi phối trong các cuộc đối thoại tương lai. Hiện Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Không rõ giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu trong việc gây sức ép với các quốc gia khác để đạt tham vọng. Trước đó, Trung Quốc đã từ chối việc tuân thủ Tiêu chuẩn minh bạch nghiêm ngặt - cho phép quốc tế giám sát lượng khí thải nước này sản sinh ra, mà đề nghị sẽ tự cung cấp số liệu cho giới quan sát nước ngoài.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Tin Tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok