Siêu thị The City tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng
Theo thống kê từ Sở Công Thương Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, hơn 100 cửa hàng đang hoạt động đáp ứng tiêu chí loại hình kinh doanh siêu thị. Để tạo xung lực đột phá trong phát triển thương mại, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án thương mại hiện đại. Hầu hết các dự án được đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực thương mại đều có vị trí thuận lợi để phát triển và phục vụ tốt nhất nhu cầu mua, bán của nhân dân, nhằm mang lại hiệu quả tích cực trong phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Việc hệ thống chuỗi siêu thị The City tại Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ mang đến cho người dân địa phương những dịch vụ mua sắm tiện ích, giá cả ổn định, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Thế nhưng, hiện, người tiêu dùng đang không khỏi băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm bày bán tại đây, khi “la liệt” là các mặt hàng nước ngoài không nhãn phụ, có dấu hiệu hàng giả, không nguồn gốc xuất xứ.
Bước đầu, PV Thương hiệu & Công luận đã có ghi nhận thực tế tại các gian hàng trong siêu thị The City huyện Hoằng Hóa và Thiệu Hóa và nhận thấy, những phản ánh của người tiêu dùng là có cơ sở.
Những mặt hàng nhiều số 0
Qua quan sát, các siêu thị nàyđược tích hợp đa dạng các sản phẩm dịch vụ với các nhóm ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, điện lạnh, đồ dùng gia đình, khu vui chơi giải trí và khu ẩm thực thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến tham quan, mua sắm.
Có mặt tại siêu thị The City Thiệu Hóa, ngay tại khu vực gian hàng đồ gia dụng, trưng bày quần áo, đồ chơi trẻ em, PV dễ dàng phát hiện sản phẩm có tem nhãn chữ Trung Quốc mà không có nhãn phụ, cũng không thấy ghi thông tin của đơn vị nhập khẩu, mà chỉ thấy gắn mác giá sản phẩm.
La liệt hàng hóa quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm được bày bán một cách công khai tại siêu thị. |
Tại khu bày giày dép, các sản phẩm trên nhãn đều in chữ Trung Quốc và không hề có một dòng thông tin nào về đơn vị sản xuất hay nhập khẩu, thông tin về chất liệu cũng hoàn toàn không có.
Sản phẩm giày, dép không thấy ghi thông tin của đơn vị sản xuất hay nhập khẩu, mà chỉ thấy gắn mác giá sản phẩm. |
Đồ bán dành cho trẻ em cũng không phải là ngoại lệ
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; Nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì. Tuy nhiên, tại hệ thống siêu thị The City lại không chấp hành nghiêm quy định này của pháp luật.
|
|
Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật cũng đã đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tượng cụ thể tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn phải được ghi bằng tiếng Việt (trừ một số quy định khác). Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Thế nhưng, việc để hàng hoá không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ thậm chí nghi hàng giả được bày bán tại hệ thống siêu thị The City lớn như vậy khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc.
|
Những khách hàng là "người tiêu dùng thông thái" sẽ lựa chọn mặt hàng nào khi cầm trên tay các sản phẩm không có các thông tin cần thiết? |
Hệ thống chuỗi siêu thị The City có kiểu kinh doanh bất chấp, vi phạm các quy định pháp luật. |
Tiếp tục có mặt ở siêu thị The City Hoằng Hóa, PV lại được "mục sở thị" tiếp các gian hàng từ đồ gia dụng, phục vụ sinh hoạt cho đến các mặt hàng thiết yếu khác cũng nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày la liệt trên kệ. Ngoài giá tiền ra thì người tiêu dùng không thể biết thêm được thông tin gì khác.
|
|
|
Nhiều nhất vẫn là mặt hàng đồ chơi trẻ em gắn mác " Made in China", không thông tin xuất xứ, không địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng. |
Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. |
Vi phạm cần được xử lý
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Luật đã nêu rất rõ, vậy nhưng hệ thống chuỗi siêu thị The City vẫn lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và các cơ quan quản lý Nhà nước để trục lợi, các sản phẩm hàng hoá “vi phạm luật” vẫn được bày bán một cách công khai, cố tình thách thức các quy định.
Và dư luận cũng đặt ra câu hỏi về những sản phẩm mà hàng ngày chuỗi hệ thống siêu thị The City đang cung cấp ra thị trường liệu có đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng hay không? Câu hỏi này rất cần Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, Phòng Kinh tế hạ tầng các địa phương cùng các cơ quan ban ngành khác vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc và trả lời bạn đọc.
Thương hiệu & Công luận sẽ chuyển đến bạn đọc những thông tin tiếp theo về vụ việc trên.
Tác giả: Lê Nam- Hoài Thu
Nguồn tin: Thương hiệu & Công luận