|
Hoàng đế Trung Hoa xưa kia vốn có nhiều phi tần. Theo Sina, một vị Hoàng đế trung bình có từ 70 đến hàng trăm thê thiếp, nhưng chỉ một số ít được sủng ái và lên vị trí cao. Những người còn lại hoặc bị lãng quên, hoặc phạm phải tội nào đó mà bị đày vào lãnh cung.
Phi tần khi bị đày vào lãnh cung sẽ phải cởi bỏ phục trang xa hoa, chỉ mặc đồ thông thường. Họ cũng không được mang theo tùy tùng. Cả lãnh cung chỉ có lối vào duy nhất để tiếp tế đồ ăn, thức uống hàng ngày. Ngay cả cung nữ và thái giám nếu không có nhiệm vụ cũng không dám bén mảng qua lại.
Lãnh cung ở Tử Cấm Thành không đón khách tham quan. |
Do lâu ngày không được quét dọn và thiếu bóng người, những vị chủ nhân của lãnh cung nếu không qua đời vì bệnh tật, cũng chọn cách tự vẫn vì không chịu nổi cảnh cô quạnh. Bởi vậy mới nói, cuộc sống nơi lãnh cung không khác gì cầm tù.
Theo sử sách ghi lại, suốt hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đã có rất nhiều phi tần bị nhốt vào lãnh cung rồi chịu số kiếp bi thảm tại đây. Nhưng nơi này nằm ở đâu giữa gần 10.000 căn phòng lớn nhỏ trong Tử Cấm Thành?
Trên thực tế, không có vị trí nào cụ thể cho các lãnh cung. Điểm chung duy nhất là lãnh cung thường nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất kinh thành. Phần lớn các lãnh cung nằm trong Tử Cấm Thành.
Lãnh cung hoàn toàn không phải là nơi nằm sâu trong cung cấm. Chúng chỉ là cách gọi chung nơi giam giữ các phi tần bị Hoàng đế phế truất hoặc phạm phải tội nào đó mà bị đày ải. Bởi vậy, lãnh cung không là một cung cấm cố định nào, mà có thể là bất cứ căn phòng nơi thê thiếp bị giam giữ.
Điều này đã được chính Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của Thanh triều, tiết lộ trong cuốn tự truyện Nửa đời trước của tôi. Phổ Nghi cho biết, thực tế trong Tử Cấm Thành không có cung điện nào tên là lãnh cung cả, vào mỗi thời kỳ, lãnh cung sẽ là một địa điểm khác nhau.
Ví dụ như trong hầu hết các đời vua nhà Minh, lãnh cung là cung Cảnh Dương nhưng tại thời vua Minh Hy Tông, lãnh cung là một khu vực khuất nẻo gần cung Càn Tây.
Dưới thời Hoàng đế Quang Tự, Từ Hi Thái hậu lại đày Trân Phi vào Cảnh Kỳ các ở Bắc viện cung Ninh Thọ, nên nơi này mới là lãnh cung.
Ở một số triều đại, sau khi các phi tần qua đời tại lãnh cung, những phòng ốc đó có thể trưng dụng trở lại phục vụ cho mục đích khác.
Ngày nay, Tử Cấm Thành không còn là nơi ở của vua chúa nữa mà đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến tham quan. Tuy nhiên, nơi từng làm lãnh cung lại tuyệt nhiên không cho khách vào thăm. Tại sao lại như vậy?
Theo lý giải của trang Sina, lãnh cung bị coi là nơi không đáng ghé thăm. Đa số các lãnh cung đến nay bị hư hại nặng nề, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Chi phí sửa chữa cao nhưng số tiền thu lại không đủ để bù đắp bởi những nơi này không được tu bổ từ quá lâu.
Hơn nữa, lãnh cung vốn là nơi chứa đựng nhiều ký ức đau buồn. Rất nhiều phụ nữ bất hạnh đã bỏ mạng tại những cung điện lạnh lẽo này. Thậm chí, nhiều người có thể thấy khó chịu khi bước vào trong.
Vì những lý do kể trên nên ban quản lý Bảo tàng Cố Cung quyết định đóng cửa những nơi gọi là "vùng cấm trong Tử Cấm Thành".
Tác giả: Minh Hoa (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn