|
Tử Cấm Thành hay Cố Cung theo cách gọi của ngày nay, nằm giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc trước kia, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh.
Diện tích nơi này lên tới 720,000 m2 gồm 800 cung và 9999 phòng, được công nhận là Di sản Thế giới tại Trung Quốc năm 1987, đồng thời trở thành địa điểm hút khách du lịch bậc nhất ở quốc gia này.
|
Tòa thành nổi tiếng của Trung Quốc thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm nhờ quy mô ấn tượng, cũng như những câu chuyện giai thoại huyền bí xung quanh mà đến nay vẫn chưa giải đáp hết.
Khu vườn bí mật ở Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành được xây dựng rất tinh xảo trong 14 năm với các vật liệu quý như gạch Tô Châu, ngói men lưu ly vàng, là nơi ở của 24 vị Hoàng đế, gồm 14 Hoàng đế triều Minh và 10 Hoàng đế triều Thanh. Cung điện nguy nga này là điển hình cho lối kiến trúc nghệ thuật Trung Hoa xưa.
|
Tuy nơi này mở cửa đón khách, nhưng vẫn có những khu vực cấm không cho phép bất cứ ai được tiếp cận. Một trong số đó là “khu vườn Càn Long”.
Xây dựng năm 1770, là nơi để Hoàng đế Càn Long tĩnh dưỡng, khu vườn gồm 27 sảnh đường với các hoa viên lộng lẫy. Sau khi khu vườn hoàn thành, vị vua này đã đưa ra chiếu chỉ yêu cầu, ngay cả sau khi ông chết, không ai được phép thay đổi bất cứ thứ gì trong vườn. Do vậy, phần lớn cấu trúc của khu vườn vẫn được giữ nguyên.
Năm 2002, dự án trùng tu “khu vườn Càn Long” được thực hiện với sự hợp tác của Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh và Quỹ Di sản Thế giới. Dự án có mức kinh phí lên tới 25 triệu USD, dự kiến hoàn thành và mở cửa đón khách năm 2020.
Tử Cấm Thành đứng vững trước hơn 200 trận động đất
Trong vòng 600 năm, Tử Cấm Thành trải qua phải trải qua hơn 200 trận động đất nhưng vẫn đứng vững “như bàn thạch”. Điều gì làm nên sự kỳ diệu này?
Theo các chuyên gia, bí mật của công trình chính ở thiết kế mái gỗ. Từ những năm 500 TCN, người Trung Quốc đã sáng chế ra loại cấu trúc có khả năng chống chọi những va đập mạnh. Cấu trúc bao gồm nhiều khung gỗ hình chữ nhật được ghép phức tạp và kiên cố, hỗ trợ chống đỡ phần mái hiên, gọi là “đấu củng”.
Cấu trúc "đấu củng" |
“Đấu củng” nằm dưới hiên nhà và mái nhà, ghép ăn khớp với nhau mà không dùng bất cứ keo dính nào. Chúng giúp giảm tác động của động đất lên tòa nhà, vừa giúp mở rộng diện tích mái hiên, vừa chịu lực và trang trí cho các cung điện. Nhờ kết cấu kiên cố này, Tử Cấm Thành vẫn đứng vững trước mọi trận động đất, trong đó có trận mạnh nhất được ghi nhận với cường độ lên tới 9,5 độ richter.
Tử Cấm Thành thách thức cả những trận lụt lịch sử
Hệ thống thoát nước tuyệt vời, đến nay vẫn hoạt động tốt, khiến Tử Cấm Thành thách thức cả những trận lụt lịch sử. Cung điện này là minh chứng hoàn hảo cho kiến trúc truyền thống Trung Hoa “bắc cao, nam thấp”.
|
Tại mỗi cung điện đều thiết kế nhiều điểm thoát nước, nối với đầu rồng. Khi mưa lớn, điểm thoát nước vô hình chung tạo thành cảnh “nghìn rồng phun nước” rất ấn tượng. Bởi vậy, nhiều lần thành phố Bắc Kinh chìm trong ngập lụt, nhưng bên trong Tử Cấm Thành vẫn khô ráo.
Những chiếc giếng bên trong Tử Cấm Thành luôn gắn liền với nhiều câu chuyện rùng rợn |
Các cung nữ thời nhà Thanh |
Và Tử Cấm Thành còn là nơi gắn liền với nhiều giai thoại, câu chuyện huyền bí chưa có lời giải đáp. Cũng như nhiều cung vua, phủ chúa tại Bắc Kinh, địa điểm này là một trong những nơi tham quan đáng sợ nhất. Đằng sau 4 bức tường thành, hơn 600 năm từ đời nhà Minh tới nhà Thanh, nhiều số phận phải bỏ mạng oan nghiệt tại đây.
Bởi vậy, câu chuyện về những oan hồn được thêu dệt, truyền từ đời này sang đời khác. Dù chưa được kiểm chứng, nhưng các giai thoại xung quanh trở thành yếu tố khiến Tử Cấm Thành càng trở nên bí ẩn và hút khách hơn bao giờ hết.
Tác giả: Hoàng Hà (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí