|
Vợ chồng em yêu nhau từ thời học chung cấp ba. Tình yêu ấy đã đi qua bao nhiêu mùa hè chói lửa, bao nhiêu mùa đông buốt giá, để rồi về chung một mái nhà thành chồng thành vợ. Hai đứa con ra đời như quả ngọt của hoa tình yêu. Một mái nhà nhỏ luôn ngập tràn những yêu thương bắt nguồn từ những kỉ niệm tươi xinh và bao ước mơ còn nằm trong kế hoạch.
Căn nhà ấy bây giờ, mỗi đêm người vợ trẻ mặc sức cho nước mắt đầm ướt gối, hai đứa con lên năm lên ba ngơ ngác khi mỗi đêm không còn thấy bố nằm trên chiếc giường quen thuộc. Chiếc giường vốn chật chội khi cả nhà nằm, nay chỉ bớt đi một người mà thênh thang quá đỗi.
Trong dòng tâm sự em sẻ chia, em nói rằng ngày chồng mình đi xa cả hai vẫn còn đang giận dỗi. Và giờ khi chồng em đã ở một nơi rất xa, em viết rằng “giá như em có thể nói cho anh biết rằng ngay cả khi giận em vẫn yêu anh”. Hẳn là mỗi chúng ta đều ít nhất một lần từng ước những lời mình yêu thương có thể được nói ra với một người trước khi quá muộn.
Tôi, một người quen biết, không gần gũi, không thân thuộc, nhưng mỗi lần nhìn những tấm hình hai vợ chồng em cười tươi rói cũng không ngăn được nước mắt mình. Vì chuỗi ngày phía trước chắc chắn sẽ dài rộng hơn với mẹ con em, vì những yêu thương kia chắc chắn sẽ chẳng thể nguôi quên mà bao phen cồn cào sóng dậy, và vì cuộc đời có thể dài với người này, nhưng quá ngắn với người kia, bất cứ lần gặp nào cũng có thể là lần gặp cuối cùng của mỗi người để có thể sau phút giây ấy là niềm hối tiếc vì chia ly vĩnh viễn.
Tôi có cô em rất ít khi giận chồng. Tôi cảm giác như cô ấy không biết giận, nhưng thật ra là cô ấy không dám giận. Cô nói giận chồng một ngày thấy hoài phí đi một ngày, giận một đêm thấy hoài phí một đêm, vì biết sống với nhau được bao nhiêu mà lãng phí tình yêu một cách vô duyên như vậy. Bởi có những người rời khỏi nhà trong cơn cãi vã rồi cả đời đã không còn gặp lại, có người chia tay lúc mặt còn phừng phừng tức giận, gặp lại nhau mắt đã khép rồi.
Nhiều người phụ nữ hay than thở chồng mình ngày càng hững hờ, thiếu quan tâm thấu hiểu. Nhiều anh chồng thở than rằng vợ mình hay giận dỗi vô cớ, hay gắt gỏng càu nhàu. Vợ chồng hay giận dỗi nhau có lẽ cũng bởi còn thương nhiều quá. Không còn thương, không còn yêu, hẳn là cũng chẳng còn quan tâm người kia đối với mình thắm nồng hay lạnh nhạt, tận tâm hay vô tình, yêu chiều hay sao nhãng. Vợ chồng một khi còn thèm được người kia yêu thương nhiều hơn nghĩa là còn muốn siết chặt tay gắn bó. Không sớm hiểu điều đó sẽ dẫn đến cách xa. Thật không có gì đáng buồn hơn việc đánh mất đi một người rồi nhận ra mình vẫn còn thiết tha luyến ái.
Mỗi bận tôi ngồi với cô em họ, em hay nhắc nhiều về một người đàn ông đã đi qua đời em - chồng cũ. Hai người đến với nhau ở tuổi ngoài hai mươi sức xuân nồng cháy, vượt qua mọi ngăn cấm, dèm pha. Cuối cùng lại buông tay nhau vì những va chạm nhỏ nhặt của đời thường. Đàn bà lỡ làng hay có những nỗi buồn và nỗi sợ mơ hồ không rõ hình dung, giống như việc đã từng qua một lần đắm đò và khiếp sợ ngay cả ngày sông không có sóng. “Yêu nhau lắm thì cắn nhau đau” thực ra không phải yêu nên làm nhau đau mà đau là vì còn yêu thương nhiều quá.
Người đời có câu: “Tu trăm năm mới ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối”. Giữa triệu triệu người lướt qua, ta có thể níu tay lấy một người, để bên cạnh, để tựa nương, để gắn bó yêu thương là điều tuyệt vời không thể không trân trọng. Chỉ là đôi khi có những niềm giận dỗi vu vơ, những hiềm khích nhỏ nhặt, những trách móc nhỏ nhen khiến ta quên đi rằng không có người đó cạnh bên mới thật là điều đáng sợ hơn mọi thứ trên đời.
Vợ chồng, giận chỉ nên đủ để biết là mình còn thương, trách móc chỉ nên đủ để biết mình có thể bao dung. Nhưng yêu thì nhất thiết phải nhiều để che đi những khuyết hao lầm lỗi. Nếu như bạn không thể yêu chồng yêu vợ bạn, nhất định sẽ có một người thay bạn làm điều đó. Sợi tơ tình yêu đứt gãy là do duyên phận hay do bản thân mình không biết nâng niu?
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí