Trong tỉnh

Hậu Lộc (Thanh Hóa): Dân “bò” qua kênh bằng thang sắt

Lấy lý do để khơi thông dòng chảy, một cây cầu dân sinh nối cuộc sống của 56 hộ dân với bên ngoài đã bị chính quyền phá dỡ. Giờ đây, muốn sang bờ bên kia, người dân chỉ còn cách bơi qua con kênh hoặc “bò” trên chiếc thang sắt chông chênh. Đã có những trường hợp ngã xuống kênh nhưng nhờ được phát hiện kịp thời nên may mắn được cứu sống.

Người dân bò, ngồi chệt để trườn qua cây cầu tạm làm bằng thang sắt. Ảnh: N.Hưng

Các hộ dân bị “biệt lập” với cuộc sống bên ngoài

Trong đơn gửi Báo Gia đình & Xã hội, 56 hộ dân sinh sống tại thôn 6 (xóm Lưỡi A, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) phản ánh về việc chính quyền tháo dỡ cây cầu dân sinh mà hàng ngày họ thường đi lại, giao thương với bên ngoài. Giờ đây, để có lối đi, người dân tự hàn một chiếc thang bằng sắt bắc qua kênh. Nhìn cảnh người nhà, trẻ em, phụ nữ bế con phải bò lổm cổm hoặc ngồi xổm xuống để đi qua chúng tôi không khỏi rùng mình. Được biết, với các đi như vậy nên đã có nhiều người ngã xuống kênh nhưng may mắn được phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Phạm Văn Nghệ (70 tuổi) cho biết: “Năm 2008, chính quyền địa phương có chính sách giãn dân, gia đình tôi đã ra ở từ đó đến nay. Thời điểm ấy, để qua kênh người dân phải góp tiền mua gỗ, tre làm cầu tạm, cứ khoảng 2 năm lại phải thay cây cầu khác. Ngày 17/7/2017, chính quyền xuống tháo dỡ cây cầu tạm khiến cuộc sống của chúng tôi bị cô lập hoàn toàn, muốn qua kia cũng không dám đi, rất nguy hiểm. Mới đây, bà Trương Thị Vân (56 tuổi) đi qua bị ngã xuống kênh, may có người cứu kịp thời”.

Ngồi bên cạnh, anh Lê Minh Hùng chia sẻ: “Ngày mới ra đây ở, chúng tôi phải lội kênh để qua bên kia. Thấy như vậy là nguy hiểm nên các hộ mới góp tiền làm cầu tạm. Hơn 10 năm qua, người dân ao ước có được cây cầu kiên cố để qua lại, nhưng đó vẫn mãi là những điều xa vời. Khi mua đất chúng tôi đã phải đóng 5 triệu đồng để làm cầu và đường điện nhưng chẳng thấy cầu đâu. Giờ số tiền ấy đang ở đâu thì chúng tôi không biết. Năm 2011, Công ty TNHH Xây dựng vận tải Xuân Thanh (Công ty Xuân Thanh) vào lấy đất đồi nên họ làm cầu bằng ống cống bê tông. Từ đó, người dân đi lại thuận tiện hơn, không còn cảnh sợ mưa bão nước lên cuốn trôi cầu tạm nữa. Đầu năm 2017, Công ty không lấy đất nữa thì cây cầu này liên tiếp bị chính quyền “đe” phải tháo dỡ. Từ ngày cầu bị phá dỡ, cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Giờ đây, mỗi khi ra bên ngoài là một cực hình đối với người dân trong thôn”.

Huyện liên tiếp thúc xã phá cầu?

Được biết, lấy lý do để khơi thông dòng chảy, UBND huyện Hậu Lộc liên tiếp có công văn thúc giục UBND xã Thành Lộc tháo gỡ cầu tạm. Theo đó, ngày 21/5/2017, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ký Công văn số 458/CV-UBND gửi Công ty Xuân Thanh, Chi nhánh thủy lợi Hậu Lộc, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc về việc “tháo gỡ cống dẫn tại K4+344 trên kênh 10 xã”. Tiếp đó, ngày 23/6/2017, ông Nguyễn Văn Luệ- Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ban hành Công văn số 613/CV-UBND đề nghị các bên liên quan tháo gỡ cầu tạm trên. UBND huyện Hậu Lộc giao UBND xã Thành Lộc, chịu trách nhiệm chính thông báo cho nhân dân thôn 6 biết chủ động việc làm cầu để đi lại, không gây cản trở trong quá trình tháo gỡ cống nói trên.

Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Tấn - Chủ tịch UBND xã Thành Lộc phân trần: “Địa phương rất khó khăn, chưa có điều kiện làm cầu cho dân. Từ ngày Công ty Xuân Thanh làm cầu, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Ngày 17/7/2017, UBND huyện chỉ đạo cho Chi nhánh thủy lợi Hậu Lộc phá bỏ cầu tạm, khiến người dân vô cùng bức xúc. Chúng tôi chia sẻ những khó khăn mà người dân phải chịu suốt thời gian qua. Mấy ngày nay do bận công tác nên xã chưa tập chung giải quyết nguyện vọng của các hộ”.

Về việc người dân nộp 5 triệu đồng làm đường điện và cầu, ông Tấn cho biết: “Đúng là có việc đó. Thời điểm đó tôi chưa làm Chủ tịch UBND xã. Tổng số tiền xã thu của 23 hộ là 115 triệu đồng, sau đó xã bàn giao lại để thôn mở rộng đường, làm cầu và đường điện”. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, làm đường là các hộ tự bỏ công sức ra làm. Còn số tiền bán đất của 33 hộ còn lại thông qua bán đấu giá, số tiền chênh lệch huyện trích để xã xây dựng nông thôn mới. Khi PV đề cập số tiền huyện trích lại bao nhiêu, tại sao lại không làm cầu cho người dân thôn 6, xóm Lưỡi A… thì ông Chủ tịch UBND xã Thành Lộc đã từ chối trả lời.

Có thể nói, dù với bất cứ lý do nào thì việc các hộ dân không có cầu khiến cuộc sống người dân bị biệt lập với thế giới bên ngoài là điều rất đáng buồn. Thiết nghĩ, để ổn định cuộc sống của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm chỉ đạo UBND huyện Hậu Lộc cùng các đơn vị liên quan khôi phục lại cây cầu.

Bà Trần Thị Tuấn (58 tuổi, ở thôn 6, xóm Lưỡi A, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) kể: “Nhà tôi có 10 nhân khẩu, 5 đứa cháu, trong đó có 4 đứa đang học mầm non. Từ ngày cầu bị phá, chúng tôi không dám để cháu tự do chạy nhảy vì sợ không may bị ngã xuống kênh. Năm học mới chuẩn bị đến nếu không có cầu thì mấy đứa cháu nhà tôi phải để ở nhà chứ đưa các cháu đến trường bằng cái thang sắt này rất nguy hiểm. Chúng tôi mong chính quyền sớm xây cầu để giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại”.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: thang sắt , hậu lộc , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok