Lễ rước bài vị Vua Lê Thái tổ trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Lê Dung |
Rồng thiêng dậy, bay rợp Lam Kinh”! Xin mượn câu mở đầu bài ca “Chí Linh sơn phú” của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi để cảm khái, tự hào và ngưỡng vọng về vùng đất thiêng “trời sinh vua thánh, đất dấy nghiệp binh” này. Lam Sơn của những ngày thanh bình, đã xa ngái cái thời khắc 600 năm trận mạc từng hun đỏ cả một vùng nước biếc non ngàn. Thế nhưng, có mấy ai không tỏ tường về vị thế và vai trò của cái mảnh đất từng là nơi “viết lại” lịch sử dân tộc. Hay chính xứ sở này là nơi bắt đầu của một trong những áng “thiên cổ hùng văn” có tầm vóc và giá trị bậc nhất, đánh dấu bước chuyển lớn trong tiến trình tranh đấu để giành, giữ và dựng xây nền độc lập cùng chủ quyền tối thượng cho quốc gia - dân tộc, hồi đầu thế kỷ XV.
Cách hậu thế tròn 6 thế kỷ, từ trong tột cùng gian khổ và tăm tối, chỉ có khí phách, bản lĩnh, cùng trí tuệ và văn hóa mới có thể soi đường dẫn lối và tạo nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, giúp cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cũng ngót chừng ấy thời gian dứt tiếng trống trận, nhưng sâu trong từng thớ đất Lam Sơn, tưởng chừng vẫn còn vọng lại tiếng bước chân đoàn hùng binh từ rừng sâu, núi thẳm, từ thành luỹ, làng mạc. Mạch đập Lam Sơn vẫn khe khẽ thì thầm những âm thanh huyền diệu và trong lành. Đó âu cũng bởi, khối di sản kỳ vĩ đang được lưu giữ ở đất Lam Kinh – Lam Sơn hôm nay, vốn được bồi lắng và vun đắp trong trường kỳ gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, mà mọi khởi nguồn đều từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh và bắt đầu từ người con vĩ đại của mảnh đất này: Đức Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi!
Bắt đầu với Hội thề Lũng Nhai, bằng tinh thần và ý chí Lũng Nhai “căm giặc nước thề không cùng sống”, vào ngày xuân tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, Bình Định Vương Lê Lợi đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp quần hùng, kêu gọi mọi tầng lớp cần lao đang rên xiết dưới tầng tầng áp bức của giặc Minh, cùng vùng dậy đấu tranh, trả thù nhà nợ nước, giành lại giang sơn gấm vóc. Sự kiện ấy đã được chính sử ghi chép tường tận và được các bậc đại trí như sử thần Ngô Sĩ Liên “bình giá” vô cùng xác đáng: Bởi, “loạn tột trị sinh là vận của trời; thánh nhân ra thì muôn vật thấy quẻ Càn là hanh thông”! Xét cuộc loạn trong cõi nước Việt ta chưa bao giờ đến tột như lúc này, mà dấy lên nghiệp Vương cũng chưa bao giờ khó bằng lúc này. Họ Hồ cướp ngôi tự rước bại vong; giặc Minh gian ngược muốn đổi đất phong, giả nhân diệt nước, giết hại làm càn, nhân dân nước Việt gan óc dậy đất, con thơ cháu bé mắc phải thảm họa giáo mác ngang thây, người mạnh khỏe thì phía Nam chạy sang đất Chiêm Thành, phía Tây trốn sang Đại Lý.
Làng mạc bỏ hoang, xã tắc thành gò. Giặc chia châu đặt huyện, đắp thành đào hào, đóng quân trấn giữ, hơn hai chục năm, biến phong tục thành tóc dài răng trắng, hóa làm người Ngô cả. Vua ở vào khoảng ấy, có tư chất thánh thần văn võ, gặp lúc trời đoái miền Tây, không nỡ thấy dân ta lầm than, quân giặc đè hiếp, tự nghĩ đến trách nhiệm thay trời đánh giặc. Nhưng còn lo vận trời đương lúc bế tắc chưa thông, việc lớn rất gian nan khó nổi. Bấy giờ mới đem những người đồng chí, tôi gươm cho sắc, giấu tiếng núi Lam, xem thế đợi thời, gặp việc lo sợ không dám vội vàng. Giữ chỗ hiểm, đặt quân phục, thường lấy quân ít mà chống giặc đông; tính thì cơ, nắm phần hơn thường lấy sức yếu mà chống kẻ mạnh.
Đã có những giả thiết được đặt ra, rằng vì sao người con đất Khả Lam ấy lại là người “được chọn” gánh vác trọng trách nặng nề và vĩ đại? và rằng, vì sao Lê Lợi có thể tập hợp, đoàn kết được anh hùng hào kiệt cả nước dưới ngọn cờ Bình Ngô? Trước khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc kháng chiến của nhà Hồ, các phong trào đấu tranh của nhân dân và các cuộc khởi nghĩa của quý tộc nhà Trần do Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng lãnh đạo, dù đều xuất phát từ lòng yêu nước, song cùng chung kết cục thảm bại. Nguyên nhân, theo như phân tích của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) trong bài viết “Từ kháng chiến của nhà Hồ đến khởi nghĩa Lam Sơn, lòng dân quyết định mọi thành bại”, là bởi các phong trào hoặc đều tự phát, đơn lẻ; hoặc người lãnh đạo phong trào và mục tiêu đặt ra không tạo được sự tin theo của nhân dân. Nói đúng hơn, không ai trong số đó có khả năng đại diện cho sức mạnh toàn dân tộc, nhằm dẫn dắt công cuộc cứu nước đi đến thành công.
Được sử gia đương thời và hậu thế ngợi ca là nhà tổ chức có tài, nhà quân sự kiệt xuất, với nhãn quan chính trị sáng suốt và tư tưởng tiến bộ, song, bản thân người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn luôn nhún nhường: “Ta không có tài dũng trí tuệ, một mình gánh vác công việc nặng nề sợ làm không nổi. Vì thế phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sĩ, cùng mưu việc lớn để cứu giúp dân”. Khởi nghĩa Lam Sơn buổi đầu diễn ra trong tình thế muôn vàn thiếu thốn, gian khổ và ác liệt. Đã không ít lần chủ tướng Lê Lợi đối diện với hiểm nguy liên quan đến sinh mạng và cả vận mệnh cuộc khởi nghĩa. Phần nhờ “gắng trí khắc phục gian nan”, phần vì “Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả”, phần quan trọng nữa là phép dụng binh “lấy nhu để chế cương, lấy yếu để chế mạnh”, Bình Định Vương Lê Lợi đã dẫn dắt cuộc khởi nghĩa từng bước vượt gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà trận đánh sau thắng lớn hơn trận đánh trước: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”; “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”...
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có cơ sở từ tài năng lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi và bộ tham mưu kháng chiến được định hình từ Hội thề Lũng Nhai. Cùng với đó là nhân tài, nguồn lực được bổ sung liên tục trong quá trình cuộc khởi nghĩa lan rộng và tạo ra bước chuyển từ phòng ngự sang phản công, từ khởi nghĩa sang giải phóng. Thế nhưng, bấy nhiêu hẳn vẫn chưa đủ thuyết phục hay lý giải, rằng vì sao người Anh hùng áo vải Lê Lợi có thể quy tụ được “nhân dân bốn cõi một nhà”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”? Bàn về điều này, sử thần Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhận định: Vua nổi dậy, nghĩa binh đến đâu người Minh đều thua chạy, có phải là vì quân nhiều hay ít, mạnh hay yếu mà không địch nổi đâu? Là vì đức của vua hợp với trời nên trời giúp cho, đẹp lòng người nên người theo về (...) Thế thì việc nhân nghĩa của vua so với Thang Vũ có phần sáng tỏ”! Để làm dày thêm luận điểm này, Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã đúc kết nền tảng thắng lợi cuộc khởi nghĩa bằng tư tưởng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nên “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Chính tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời ấy hòa hợp bền chặt trong khí phách và bản lĩnh dân tộc đã nâng tầm của cuộc khởi nghĩa với hạt nhân là 19 người, trở thành cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc rộng lớn và mạnh mẽ.
Như vậy là, điểm cốt lõi giúp Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi cuối cùng là bởi biết dựa vào nhân dân, xem “nhân dân là gốc của mọi sự thành bại”. Tư tưởng ấy không phải đến thời Lê sơ mới có, nhưng khi tư tưởng lớn “lấy dân làm gốc” gặp được con người có tư tưởng nhân nghĩa tiến bộ, thì nó càng được bồi đắp và nâng lên tầm cao bậc giá trị mới. Trước đó vài thế kỷ, nhà Trần đã 3 lần đại phá quân Nguyên - Mông, mà hào khí Đông A đã làm rạng rỡ non sông. Thắng lợi vĩ đại ấy liệu có thể đạt được nếu nhà Trần, mà trực tiếp là Hưng Đạo đại vương không biết lấy “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức”?! Để rồi, thật trớ trêu, thất bại của nhà Hồ lại cũng xuất phát từ hai chữ “lòng dân”. Như chính Hồ Nguyên Trừng (con cả Hồ Quý Ly) đã lo sợ: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo thôi” (Đại Việt sử ký toàn thư). Cũng bởi “lòng dân không theo” đã khiến nhà Hồ đơn độc trong cuộc chiến chống xâm lược và do vậy, thất bại của vương triều Hồ là điều đã được đoán định, an bài?
Sau 600 năm sau công cuộc Bình Ngô và gây dựng “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Càn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Ngàn năm vết nhục rửa sạch làu/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc”; cái tên Lam Kinh – Lam Sơn và người con vĩ đại của mảnh đất này, cùng những bậc hào kiệt văn tài võ lược Lê Lai, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Xí, Trịnh Khả... đã được lịch sử và hậu thế vinh danh, ngợi ca. Những bài học lớn được chích ra từ máu xương và hội đủ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đến nay, vẫn nguyên tính thời sự. Những tư tưởng lớn được đúc kết từ chiều sâu quá khứ, từ cốt cách dân tộc, từ truyền thống yêu nước, từ bề dày văn hóa – văn hiến ngàn năm, đều hội đủ trong “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta đang tiến hành trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.
“Mệnh trời là ở lòng dân”! Cũng nhờ thành lũy lòng dân và tư tưởng vì dân, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người con uy vũ và khí phách của xứ Thanh, của dân tộc khởi xướng và lãnh đạo, mới có thể nối tiếp hào khí Đông A mà làm bật dậy hào khí Lam Sơn. Để rồi, đến lượt nó, hào khí Lam Sơn đang bắt nhịp và tỏa rạng cùng vẻ đẹp Lam Kinh, cùng xứ Thanh và cả dân tộc. Hào khí Lam Sơn, với sức mạnh vật chất từ quá khứ và tinh thần thời đại, đang phả hơi thở nóng hổi của tinh thần tự cường, quật cường và cả làn gió dịu dàng của tinh thần nhân văn, nhân bản “vì con người”, vào trái tim mỗi người. Để cháu con hôm nay cùng ra sức, đồng lòng vượt lên khó khăn mà dựng xây đất nước phồn thịnh, quê hương giàu đẹp, muôn nhà ấm no, muôn người hạnh phúc. Và rồi, trong nhịp sống gấp gáp hiện tại, hẳn là, có lúc nào đó, ta cũng cần lắng lòng để ngẫm suy lời răn của vị Thái tổ Nhà hậu Lê – người đã làm nên cuộc trung hưng lần hai vĩ đại cho quốc gia - dân tộc. Rằng: “Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ, ví như nước và cây ắt có nguồn có cội (...). Bởi lẽ đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài. Nếu không phải đời trước vun đắp nhân ân dày dặn, chung đúc phúc trạch lớn lao thì làm sao mà được như thế”!
Tác giả: Lê Dung
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa