Trong tỉnh

Hành trình tìm sự sống cho đứa cháu đuối nước sống thực vật

Chết lặng khi hay tin đứa cháu lên 10 tuổi phải sống thực vật suốt đời sau đuối nước, nhưng ông bà của bé không từ bỏ hi vọng đến một ngày, cháu sẽ lại như xưa.

Bé Mai Hưng Thuận (10 tuổi, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị đuối nước, được bệnh viện tỉnh trả về do não gần như ngừng hoạt động. Nhưng nuôi trong mình hi vọng cháu sẽ trở lại được như xưa nên ông bà của bé đã đưa bé đi chạy chữa khắp nơi, dù cơ hội rất mong manh.

Bà Đào Thị Vinh (54 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã kể cho chúng tôi nghe hành trình đầy nước mắt của mình trên chặng đường trả lại tuổi thơ cho đứa cháu mới 10 tuổi. Bé Thuận hiện đang được điều trị tại phòng số 2, khoa Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Nhớ lại giây phút định mệnh ấy, đôi mắt bà Vinh ngấn lệ. Bà kể rằng, cách đây 2 năm, bé Thuận đang chơi trên thuyền thì bị ngã xuống nước nhưng gia đình không hay biết. Đến khi cơ thể bé Thuận nổi lên mặt nước, lúc này ngư dân đi biển về mới phát hiện ra và vớt bé lên, sau đó nhanh chóng đưa bé xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.

Nhưng sau suốt hai tháng điều trị tại đây, kết quả mà gia đình nhận về là thông tin bác sĩ cho biết, bé Thuận khó có thể tỉnh lại được. Nếu muốn giữ sự sống, bé Thuận sẽ phải sống thực vật suốt đời.

Nghe tin, bà Vinh và gia đình đã khóc hết nước mắt. Nhưng không từ bỏ hi vọng, bà Vinh đưa cháu ra bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Các bác sĩ tại đây nói, tim, phổi, gan hoạt động bình thường nhưng do não bị mất oxy quá lâu nên gần như không hoạt động. Các bác sĩ bệnh viện Nhi giới thiệu gia đình đưa bé Thuận tới bệnh viện Châm cứu Trung ương.

“Thời điểm đưa sang bệnh viện Châm cứu Trung ương, cháu tôi bị liệt tứ chi, mắt không thể nhắm được, bế cháu không khác gì khúc gỗ vô hồn. Điều trị tại bệnh viện Châm cứu Trung ương được 2 tháng, mắt Thuận có thể nhắm mở được.

Khi thấy mắt cháu có thể nháy được, tôi và chồng tôi rất vui mừng. Hai vợ chồng tôi ôm nhau nhìn cháu khóc trong sung sướng”, bà Vinh xúc động nói.

Trong suốt hành trình bé Thuận tìm lại sự sống cho mình, luôn có hình bóng người ông, người bà đã ở cái tuổi toan về già. Trong ảnh là bà Vinh đang chăm sóc bé Thuận.

Sau 6 tháng điều trị, bé Thuận đã hồi phục, đứng lên đi lại được bình thường. Tuy nhiên, khả năng nhận thức vẫn còn rất hạn chế. Bà Vinh cho biết: “Giờ cháu đứng lên, đi lại được rồi, tôi lại mong cháu biết nói”.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, bà Vinh nghẹn ngào: "Trước khi bị tai nạn, Thuận là đứa trẻ rất nhanh nhẹn, học giỏi. Hoàn cảnh của Thuận cũng rất đáng thương, bố mẹ bỏ nhau. Cả bố và mẹ đều đã lập gia đình mới, để Thuận lại cho ông bà chăm sóc".

Từ khi Thuận bị tai nạn, chỉ có ông bà luôn ở bên giành giật sự sống cho cháu. Gia đình bà Vinh thuộc diện hộ nghèo nên để có tiền chữa bệnh cho Thuận, họ đã phải vay mượn ngân hàng. Ông nội Thuận năm nay đã hơn 60 tuổi vẫn phải đi theo tàu cá kiếm thêm tiền.

“Nhiều lúc tôi nghĩ, sau này, 2 vợ chồng già yếu không còn đủ sức chăm cháu, chắc sẽ phải gửi cháu vào trại mồ côi nhờ Nhà nước giúp đỡ”, bà Vinh vừa khóc vừa tâm sự.

Hiện tại, bé Thuận đã dần bình phục nhưng vẫn cần phải có người chăm sóc.

Bác sĩ Dương Văn Tâm đang dõi theo từng cử chỉ của Thuận.

Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em cho hay, bệnh nhi Thuận vào viện trong tình trạng rất nặng, liệt tay chân, mất trí tuệ và ngôn ngữ mất hoàn toàn, các giác quan không phản ứng với ánh sáng, tiếng động, châm cứu đau. Khi làm điện não đồ thì sóng rất yếu, gần như não không có hoạt động.

Sau hai đợt châm cứu (mỗi đợt 1 – 1,5 tháng), bệnh nhi đã đi lại chập chững. Hết 4 đợt châm cứu, bé đã có thể đi lại được. Hiện nay, bệnh nhân đã đi lại bình thường, cầm nắm được đồ vật. Bệnh nhi đã biết giao tiếp và có những lúc muốn nói nhưng chưa nói được.

“Chúng tôi đang hi vọng sau một vài đợt điều trị, ngôn ngữ của cháu có thể được phục hồi. Cháu giao tiếp, hiểu biết, nhận thức được thì rất tốt cho cuộc sống sau này”, bác sĩ Tâm nói.

Theo bác sĩ Tâm, bệnh nhi Thuận có được kết quả hồi phục như ngày hôm nay không chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của bác sĩ mà còn là sự kiên trì của ông bà bé Thuận. Hai ông bà chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc, dù gia đình khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng điều trị cho cháu khỏi bệnh.

Tác giả: Nguyễn Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok