Hàng trăm nghìn quả cầu băng xuất hiện tại khu vực vịnh Phần Lan, thuộc biển Baltic, Nga. (Ảnh: CEN) |
Tuần này, mạng xã hội Instagram ở Nga tràn ngập hình ảnh những khối băng kỳ lạ, có dạng hình cầu đường kính khoảng 10cm được chụp lại ở bờ biển thuộc một thị trấn ở phía bắc thành phố St. Petersburg.
Tin tức về hiện tượng bí ẩn này đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cũng như báo chí phương Tây. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra, tuy nhiên chưa có một phương án lý giải nào thực sự thuyết phục.
Một vài người dùng cho rằng hiện tượng này có thể được tạo nên khi mưa đá đổ xuống nhưng nước biển quá lạnh dẫn tới việc các khối mưa đá không thể tan nhanh. Một số khác nhận định đây có thể là hậu quả của hiện tượng tràn dầu hoặc ô nhiễm môi trường.
Ông Gennady Grakhovsky, nhà nghiên cứu thuộc khoa dự báo khí tượng tại Đại học Khí tượng Thủy văn St. Petersburg, lý giải với kênh truyền hình Channel 5 rằng hiện tượng cầu băng xảy ra khi nước biển đóng băng kết hợp với sóng biển cường độ mạnh.
“Khi đóng băng, nước biển trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là băng mềm, là tập hợp những hạt tuyết nổi trên mặt nước. Nếu biển tĩnh, băng mềm sẽ chuyển hóa thành những tảng băng cứng. Nếu biển có sóng, lớp băng mềm sẽ vỡ vụn và tụ lại thành những tảng băng rời rạc. Nếu sóng biển mạnh hơn, chúng sẽ phá vỡ kết cấu của băng mềm và hình thành nên những quả cầu băng”, ông Grakhovsky cho biết.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí