Biển xâm thực đánh tung hàng chục héc ta rừng phi lao ven biển xã Quảng Nham. Ảnh: Sông Mã |
Cây bật gốc, nhà cửa bị đe dọa
Có mặt tại thôn Tân, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, chúng tôi được chứng kiến những gốc phi lao bật gốc nằm chỏng chơ dọc bờ biển. Bãi cát nhiều nơi cũng lở xuống biển từng tảng rất to, những cây phi lao bị mất đất cứ trơ gốc nghiêng ngả rồi rung lên bần bật khi có một đợt sóng biển đánh mạnh vào bờ.
Cả một tuyến bờ biển dài hàng cây số nhìn ở đâu cũng thấy cây cối bật gốc, nhiều ngôi nhà của người dân nơi đây cũng bị biển “gặm nhấm” gần vào đến móng nhà. Rất nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước tình trạng biển xâm thực vào bờ ngày càng dữ dội, nếu không có sự quan tâm vào cuộc thì chỉ trong nay mai, nhiều hộ dân sẽ không còn nhà để ở.
Chị Đinh Thị Dậu (trú tại thôn Tân, xã Quảng Nham) cho biết, cách đây khoảng 5 năm, biển còn cách nhà chị khoảng 50-60m, nhưng cứ mỗi đợt triều cường hoặc áp thấp nhiệt đới, biển lại xâm thực sâu vào đất liền.
“Cơn bão số 10 vừa qua, nước biển dâng cao đánh mạnh vào tận tường rào của nhà tôi. Khi nước rút đã cuốn phăng hàng loạt cây phi lao, nhiều đoạn tường bao cũng bị đánh bật. Giờ, nhà tôi chỉ còn cách biển khoảng 10m, chỉ cần 1 trận triều cường nữa là biển vào đến nhà. Bà con chúng tôi rất lo lắng” - Chị Dậu chia sẻ.
Không chỉ có nhà chị Dậu mà dọc bờ biển, thôn Tân có khoảng 60 hộ dân sinh sống, cứ mỗi lần nghe đài báo ngoài biển có bão hay áp thấp nhiệt đới là người dân lại lo ngay ngáy. “Trận bão số 10 vừa qua, gió giật đùng đùng khiến cả đêm nhà tôi không ai dám ngủ, cứ ôm nhau lo sợ nhà cửa bị thổi tung.
Sáng ra, thấy tường rào đổ, cây cối đổ khắp nơi, bờ biển lại bị ăn sâu vào đến cả chục mét mà lo lắng quá. Nhà tôi chỉ cần 2 lần mưa bão hay triều cường là biển “ăn” vào đến nhà. Rừng phi lao giữ đất đã bị cuốn gần hết mất rồi, còn gì để giữ đất đâu” - Một người dân lo lắng.
Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng thôn Tân cho biết, hiện tượng xâm thực tại địa phương diễn ra mạnh nhất khoảng 3 năm trở lại đây, có nơi biển ăn sâu vào đất liền khoảng 50m.
“Thôn tôi nằm nhô ra ngoài biển, lọt thỏm giữa cửa sông Yên và biển, trước đây biển cũng có xâm thực nhưng không đáng kể. Khoảng vài năm trở lại đây, biển xâm thực rất mạnh, đặc biệt là trận bão vừa qua biển xâm thực vào đất liền từ 15-25m, cuốn trôi trên 12.000 cây phi lao. Trước đây, thôn có khoảng 120ha rừng phi lao, nhưng giờ chỉ còn dưới 70ha. Nếu không có giải pháp ngăn chặn biển xâm thực thì người dân chúng tôi chỉ còn nước bỏ đi nơi khác mà sống thôi” - Ông Hải cho hay.
Không chỉ xảy ra ở thôn Tân, ngay giáp thôn này là thôn Tiến, tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn ra ngày càng mạnh. Hàng trăm hộ dân của thôn này cũng đang sống trong thấp thỏm lo âu. Khu vực cửa sông Yên là nơi trú tránh bão của các phương tiện đánh bắt thủy sản, nhưng xâm thực cũng đang đe dọa trực tiếp tới khu vực này.
Được biết, bờ biển xã Quảng Nham có chiều dài gần 5km, điểm cuối tiếp giáp với cửa sông Yên. Hiện, khu vực này có khoảng 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu thuộc 2 thôn Tân và Tiến sinh sống. Thôn Tân là thôn mới được định cư ra đây theo đề án giãn dân của huyện Quảng Xương.
Do đường sá đi lại khó khăn, biển xâm thực mạnh, nên lúc đầu có 420 hộ dân đăng ký ra thôn Tân sinh sống, nhưng hiện nay chỉ còn 185 hộ. Theo trưởng thôn Tân thì có nhiều gia đình ra đây sinh sống, mỗi lần mưa bão lại phải ôm con chạy vào phía trong tránh trú nên họ đã bỏ đi nơi khác ở.
Mong có một tuyến đê biển ngăn xâm thực
Theo phản ánh của người dân, thì trước hiện tượng biển xâm thực mạnh vào đất liền cuốn trôi hàng chục héc ta đất rừng phòng hộ khiến “tấm lá chắn” phía ngoài khu dân cư cứ mỏng dần, một số nơi đã không còn rừng phi lao. Người dân đã kiến nghị lên xã, lên huyện có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, có rất nhiều đoàn của tỉnh, thậm chí của cả Trung ương về kiểm tra, khảo sát, nhưng chẳng thấy có hồi âm gì.
Theo Trưởng thôn Tân Nguyễn Duy Hải, trong trận bão số 10 vừa qua, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã về thôn kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục bão lụt. Ông Xứng chỉ đạo các ngành sớm kêu gọi đầu tư tuyến đê biển để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết, tình trạng biển xâm thực trên địa bàn ngày một mạnh, tuy nhiên, do khả năng của địa phương không thể làm được, nên đã kiến nghị lên cấp trên. “Nếu để tình trạng này kéo dài thì người dân trong vùng sẽ gặp nguy hiểm. Vì thế, việc đầu tư một dự án kè đê là cấp thiết đối với địa phương và đó cũng là mong mỏi của người dân” - Ông Lờ nói.
Cũng theo ông Lờ, hiện, dự án kè đê đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý với tổng kinh phí khoảng 125 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ xây dựng một tuyến kè đá chắn sóng dài khoảng 3km cùng các công trình phụ trợ khác, bắt đầu thi công năm 2018 đến năm 2020 là xong. Sau khi hoàn thành tuyến đê sẽ mang lại sự ổn định, không còn bị biển xâm thực nữa.
Theo ông Trần Trí Hòa, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Xương thì tình trạng sạt lở bờ biển tại xã Quảng Nham, huyện cũng đã nắm và đến kiểm tra, nhưng ngân sách địa phương có hạn, nên đã báo cáo tỉnh và được chấp thuận. “Tuy nhiên, hiện nay, khu vực trên đang có nhà đầu tư vào khảo sát xây dựng sân golf, nên huyện đang cho lập quy hoạch. Có thể sẽ di dời toàn bộ người dân của thôn Tân nếu dự án khả thi. Vì vậy, việc triển khai dự án kè đê chắc chưa thực hiện được” - Ông Hòa nói.
Tác giả: Sông Mã
Nguồn tin: Báo Biên phòng