Bất chấp thời tiết trở lạnh, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đổ về Khu di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh hang Bàn Bù, xã Ngọc Khê. Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều tiết mục, như: Rước kiệu, rước nước khai mạc lễ hội; biểu diễn múa Pôồn Pôông - Di sản phi vật thể Quốc gia; hát Xường giao duyên, Phường Chúc...
Lễ hội Bàn Bù năm 2019 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn |
Sau khi chứng kiến và tham gia lễ rước nước, rước kiệu, người dân và du khách đều dành thời gian để vãn cảnh chùa Trúc lâm Bàn Bù thiền tự - hay còn gọi bằng tên dân gian là chùa Nán; dâng hương tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc Lê Lai, Lê Lợi và các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn. Rồi cùng hòa mình vào không khí lễ hội với các trò chơi, trò diễn mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương Ngọc Lặc như: Hát phường chúc hay còn gọi là hát sắc bùa, diễn xướng xường Giao duyên, múa Pồn Pông.
Lễ hội tưởng nhớ anh hùng dân tộc Lê Lợi, quân, dân có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn |
Một niềm vui khác khi Khu di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh hang Bàn Bù vừa được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Đây là cơ hội để huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện, gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, danh thắng trên địa bàn, kết nối với các điểm du lịch trong khu vực. Góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị Ngọc Lặc ngày càng phát triển. Thông qua lễ hội còn giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.
Lễ rước kiệu tại lễ hội |
Nhiều người dân háo hức chờ đợi trong lễ hội năm nay là tiết mục Hát Xường giao duyên của người Mường- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được công nhận. Hát Xường giao duyên từ lâu đã trở thành bản sắc truyền thống đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của người Mường các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc nói riêng và của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh nói chung.
Hát Xường giao duyên của người Mường- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Hát Xường có hai loại chính là Xường tự do và Xường lên bậc. Xường tự do là hình thức “độc” diễn phản ánh mọi sắc thái tình cảm của cư dân Mường trong cuộc sống, người hát tự do sáng tác hoặc hát theo lời ca có sẵn được trao truyền trong cộng đồng từ đời này sang đời khác. Hát Xường là dịp để những đôi trai gái say sưa, quấn quýt bên nhau trong lời ca, tiếng hát giữa không gian của núi rừng. Thông qua điệu hát Xường, những cung bậc cảm xúc của con người, nhất là tình cảm trai gái được Xường thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc. Nét độc đáo trong điệu Xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa.
Để lễ hội diễn ra thành công, huyện Ngọc Lặc đã kêu gọi đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Danh thắng hang Bàn Bù. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trên địa bàn căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ triển khai phục vụ lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ lễ hội cũng được địa phương chú trọng. Công an huyện cùng lực lượng công an, dân quân xã Ngọc Khê và các địa phương lân cận xây dựng, triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, tham gia hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông cho các đoàn đại biểu và du khách trên tuyến Quốc lộ 15A; các phương án phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trong những ngày diễn ra lễ hội. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong lễ hội được huyện quan tâm hàng đầu, địa phương cũng kiên quyết không để xảy ra tình trạng ăn xin, móc túi, chèo kéo du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý