Các cửa hàng trong chuỗi SHOP Jim Tồ tại Thanh Hoá. |
Hàng nhập không tem nhãn, không có hoá đơn chứng từ là hàng nhập lậu
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc mua bán, vận chuyển hàng hóa không được diễn ra một cách tùy tiện mà được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa. Hành vi buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hành vi buôn bán hàng nhập lậu là hai hình thức kinh doanh bị pháp luật nghiêm cấm.
Vậy hàng lậu là gì? Hàng xách tay có phải hàng lậu? Đây là những thắc mắc mà Thương hiệu & Công luận đã nhận được nhiều từ bạn đọc/người tiêu dùng gần đây sau khi đăng tải loạt bài viết liên quan đến những hàng hoá “xách tay” đang được bày bán công khai tại chuỗi SHOP Jim Tồ. Để giải đáp những thắc mắc trên, PV Thương hiệu & Công luận đã có buổi làm việc với đại diện Chi cục Thuế TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Theo tìm hiểu của PV, chuỗi SHOP Jim Tồ thuộc Công ty cổ phần Momkid Việt Nam (VietNam MomKid Joint Stock Company) được thành lập ngày 06/09/2017, có địa chỉ thuế tại số 347 Quang Trung, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ngành nghề chính là: Bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, người đại diện pháp luật là ông Đoàn Hải Đăng.
Ngoài trụ sở chính của công ty tại số 347 đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá, Chi cục Thuế TP. Thanh Hoá cũng đang quản lý 7 chi nhánh khác của công ty VietNam MomKid Joint Stock Company gồm: Chi nhánh tại số 380 đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP. Thanh Hoá (được thành lập ngày 24/04/2019); Chi nhánh tại số 41 Lê Hữu Lập, TP. Thanh Hoá (được thành lập ngày 06/09/2019); Chi nhánh số 22 Trường Thi, TP. Thanh Hoá (được thành lập ngày 22/07/2019); Chi nhánh số 118 Phú Thọ 4, TP. Thanh Hoá (được thành lập ngày 12/03/2021); Chi nhánh tại 306 Nguyễn Trãi, TP. Thanh Hoá (được chuyển địa điểm từ 48 đường Phan Bội Châu sang); Chi nhánh số 336 đường Bà Triệu, TP. Thanh Hoá (được thành lập ngày 17/02/2020) và chi nhánh tại tiểu khu 6, thị trấn Thiệu Hoá, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá (được thành lập vào ngày 24/04/2021).
Theo số liệu từ cơ quan Thuế, năm 2018, công ty VietNam MomKid Joint Stock Company nộp cho Nhà nước số tiền thuế là 7 triệu đồng; Năm 2019 là 6,5 triệu đồng; Năm 2020 là 19 triệu đồng và năm 2021 là 124 triệu đồng.
Các mặt hàng 100% chữ nước ngoài đang được kinh doanh tại hệ thống chuỗi SHOP Jim Tồ. |
|
|
|
|
PV đã đặt câu hỏi liên quan đến các sản phẩm đang bày bán tại các cửa hàng trong chuỗi SHOP Jim Tồ có 100% chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ, không kê khai thuế thì liệu có phải là đang có hành vi trốn thuế hay không?
Đại diện lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Thanh Hoá khẳng định: "Đây không phải là hàng trốn thuế. Mà đối với những mặt hàng này, không có hoá đơn chứng từ thì đó là hàng nhập lậu. Nếu hàng không có hoá đơn đầu vào thì họ bán trôi nổi và không có hoá đơn xuất ra. Cơ quan Thuế quản lý dựa trên hoá đơn, những chứng từ hợp pháp thì mới được kê khai thuế, nếu hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp mà kê khai thuế là vi phạm pháp luật.”
Tại khoản 6, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Chính phủ quy định hàng hóa nhập lậu gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng. |
Như vậy, trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định rõ hành vi nhập khẩu hàng hóa này là hành vi nhập lậu thì người vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp phạt theo quy định tại Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng, tùy theo mức độ thực hiện hành vi vi phạm mà áp dụng mức xử phạt theo quy định. Người vi phạm còn phải tiêu hủy hàng hóa đã nhập lậu và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hành vi nhập lậu hàng hóa về Việt Nam để bán trái phép qua biên giới là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của pháp luật về xuất – nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Do đó, nếu hàng hóa nhập lậu có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo quy định tại khoản 1, Điều 188, Bộ luật Hình sự hiện hành thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội Buôn lậu với mức hình phạt phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm. Tùy theo mức độ thực hiện hành vi phạm tội mà áp dụng mức hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội.
Đề nghị Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hơn nữa
Việc kinh doanh hàng hóa trên thị trường phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định tại Điều 5, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.
Tình trạng kinh doanh hàng hóa ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá những năm gần đây vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng buôn lậu, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, các lực lượng chức năng trong đó nòng cốt là Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hơn nữa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Quyết định của Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá là tổ chức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, được tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá theo mục tiêu, lộ trình thực hiện tại Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cục có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật vê phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. |
Trước đó, như Thương hiệu & Công luận đã đưa tin, Tòa soạn liên tục nhận được thông tin phản ánh từ bạn đọc/người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về nguồn gốc, xuất xứ của các mặt "hàng xách tay” cho trẻ em đang bày bán tại các cửa hàng, shop mẹ và bé, nghi vấn là hàng lậu, hàng trốn thuế, cụ thể là chuỗi SHOP Jim Tồ với 10 cửa hàng được trải dài trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thực trạng “hàng xách tay” trên thị trường hiện nay không được cơ quan chức năng kiểm định, đảm bảo quy định về nhãn mác, thông tin quan trọng về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa vậy nên người tiêu dùng “hàng xách tay” phải đối mặt với nhiều rủi ro như chất lượng sản phẩm không được kiểm soát, không được bảo hành khi bị lỗi, hỏng trong quá trình sử dụng và nguồn hàng không ổn định và trách nhiệm người bán hàng khi người tiêu dùng đã dùng sản phẩm khi xảy ra sự cố.
Các mặt hàng được công khai tự giới thiệu là “hàng xách tay” tại SHOP Jim Tồ. |
|
|
Quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì "hàng xách tay" là hàng trốn thuế, nhập lậu. Cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nếu bị xử phạt theo khung quy định.
Vậy, hành vi bán hàng công khai tự giới thiệu là “hàng xách tay” tại SHOP Jim Tồ phải chăng đang có vi phạm các quy định của pháp luật, Nhà nước về hàng hóa?
Thương hiệu & Công luận chuyển đến bạn đọc thông tin tiếp theo về hàng hóa tại chuỗi SHOP Jim Tồ.
Tác giả: Tiến Minh- Khánh Dương
Nguồn tin: Thương hiệu & Công luận