|
Tăng giá làm ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh
Ngày 26/10, Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu với mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg.
Theo thống kê của Người Đưa Tin, thị trường xăng dầu trong nước trải qua 19 lần điều chỉnh giá từ đầu năm tới nay. Trong đó, các kỳ điều chỉnh gần đây đều trong xu thế tăng giá mạnh.
|
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Trí Long nhận định: "Việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng là điều dễ hiểu. Bởi giá cả trên thế giới vẫn đang có xu hướng tăng, mà giá trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới".
Trên thực tế, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm... Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
TS. Nguyễn Trí Long cho rằng giá xăng dầu luôn tỉ lệ thuận với mức độ lạm phát và tỉ lệ nghịch với phần trăm tăng trưởng GDP. |
Mặt khác, chuyên gia cho rằng việc giá xăng tiếp tục tăng gây ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Về những ngành ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất phải kể đến đó là ngành vận tải, đánh bắt bằng tàu biển, nông nghiệp sử dụng xăng dầu, sản xuất điện... Giá nhiên liệu của các ngành này chiếm tới 30-33% trong cơ cấu chi phí vận tải, việc giá nhiên liệu trên thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong năm sẽ tạo áp lực lên giá cước vận tải hàng hóa.
Về gián tiếp, giá nhiên liệu gián tiếp tác động đến giá cả hàng hóa bởi chi phí từ các khâu vận chuyển, sản xuất tăng cao, thì giá sản phẩm tới tay người tiêu dùng cũng sẽ phải điều chỉnh.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Long cho biết, giá xăng dầu luôn tỉ lệ thuận với mức độ lạm phát và tỉ lệ nghịch với phần trăm tăng trưởng GDP. Cụ thể, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, từ đó cũng có thể làm gia tăng mức lạm phát.
Có thể kiểm soát tốc độ tăng giá trong nước
TS. Nguyễn Trí Long khẳng định không thể kìm hãm việc tăng giá xăng dầu bởi thị trường trong nước phải phụ thuộc vào tình hình thế giới. Tuy nhiên, cần phải làm và có thể có những chính sách giúp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Theo đó, TS đưa ra hai hướng triển khai, mà ông gọi đó là "hai cái van đặc hiệu" giúp kiểm soát tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước.
Thứ nhất, cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm hạ nhiệt mặt hàng này. Cùng với đó, là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất.
Hiện nay, trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối với mặt hàng dầu từ 24-30%. Trong đó thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít.
Thứ hai, sử dụng Quỹ bình ổn. Việc này góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, đồng thời hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Thời gian qua, nhờ sử dụng Quỹ nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03%, trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%).
Về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cũng cho biết, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg.
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Tác giả: Nguyễn Minh Uyên
Nguồn tin: nguoiduatin.vn