Năm đầu ĐH đáng nhớ với những cú lừa mất tiền, mất sức khi đi làm thêm
Thời sinh viên, chắc hẳn rất nhiều bạn từng đi làm thêm và trong số đó, cũng không ít bạn bị lừa. "Bẫy lừa" mỗi người "dính" phải có thể khác nhau, từ chuyện lừa thử việc, bớt tiền lương cho đến lôi kéo vào đa cấp... Thứ mà sinh viên mất đi có thể là tiền bạc, công sức, lòng tin... Có nhiều bạn vì thế mà cảm thấy chán nản nhưng những ai đủ tỉnh táo, xem đó là một bài học quý báu thì họ lại đứng lên rất nhanh.
Nguyễn Thu Quyên, Nguyễn Thị Thu Thủy (hai nữ sinh mới tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, SN 1994) chính là một ví dụ. Thủy kể, hai người là bạn thân hồi ĐH và có rất nhiều điểm chung. "Mình quê Quảng Ninh còn Quyên quê Bắc Ninh, từ nhỏ chỉ lo chuyện học hành và ở quê cuộc sống cũng không phức tạp bằng lúc lên Hà Nội. Ngày đầu mới lên ĐH, hai đứa đều nôn nóng đi làm thêm nên đều từng bị lừa".
Thủy và Qyuên, đôi bạn thân từ hồi ĐH.
Hồi năm nhất, Thủy đến một trung tâm môi giới gia sư tìm việc và được yêu cầu phải đóng cọc trước nửa tháng tiền lương đầu tiên. Tuy nhiên, khi đến nhận lớp, gia đình kia lại yêu cầu cô xuất trình thẻ sinh viên sư phạm. "Nhà họ chỉ có nhu cầu tuyển sinh viên sư phạm thôi nhưng bên môi giới lại không hề nói cho mình biết điều này".
Không nhận được việc, Thủy quay lại trung tâm môi giới đòi tiền cọc nhưng kết cục lại bị từ chối rất lạnh lùng. "Họ nói đó là lỗi do mình, không phải do trung tâm nên không được trả lại tiền cọc".
Nghĩ lại những kỉ niệm này, Thủy vẫn chưa hết ấm ức. Cô kể, số tiền mấy trăm nghìn đồng bị trung tâm đó "nuốt" mất, tuy không phải là khoản lớn nhưng cũng đủ để những sinh viên như cô chi tiêu trong vài tuần liền.
Thủy nói mình đã từng rất khó khăn khi tìm việc làm thêm.
Sau này, khi trò chuyện với bạn bè, Thủy mới biết không chỉ có cô mới bị lừa khi đi làm thêm. Có nhiều bạn bị lừa thử việc một tháng không có lương, số khác bị trừ tiền lương vì những lý do oái oăm hoặc có bạn tuy không bị lừa nhưng cũng bị bóc lột sức lao động quá đáng. "Họ thuê các bạn ấy phát tờ rơi cả ngày mà chỉ trả có 100.000 đồng, trời nắng và các bạn ấy phải di chuyển nhiều nơi mới phát hết chỗ tờ rơi đó", Thủy kể.
Giống như Thủy, Quyên cũng từng suýt bị lừa tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp "lởm". Họ yêu cầu cô đặt cọc một khoản tiền, để lại CMND. "May sao tự nhiên lúc đó mình giữ được chút tỉnh táo nên không làm theo".
Chỉ một chút nữa, Quyên cũng bị công ty đa cấp nọ lừa.
Rất tiếc là nhiều người bạn của Quyên lại không tỉnh táo như cô. Có bạn bị mắc vào đó rồi quay cuồng với đa cấp. Tuần nào bạn ấy cũng mua sách của họ về học thuộc lý thuyết bán hàng, hết 500.000 đồng/tuần - một số tiền khá lớn so với mức chi tiêu của nhiều sinh viên. "Điều đáng tiếc nhất là bạn ấy bỏ bê học hành, điểm số trên lớp cũng ngày một thấp dần", Quyên tâm sự.
Theo lời Quyên, năm đầu ĐH là một năm đáng nhớ với cả cô và Thủy. Cả hai cùng khao khát được đi làm, được khám phá cuộc sống ở Hà Nội và cả hai đều... bị lừa. Mỗi người gặp phải những tình huống khác nhau và họ đều cho rằng, sinh viên đi làm thêm ở Hà Nội, chuyện tưởng dễ mà lại chẳng hề đơn giản chút nào.
Tìm được việc ưng ý khi còn là sinh viên và khao khát giúp được người khác
Từng "sập bẫy" và chứng kiến nhiều người bạn khác cũng bị "dắt mũi" khi đi làm thêm nhưng cả Thủy và Quyên đều không từ bỏ dự định của mình. Nhờ đó mà đến năm thứ hai, 2 người đều tìm được công việc tốt, bớt vất vả mà thu nhập lại tương đối khá.
Thủy kể, cô và Quyên cùng làm thư ký cho một công ty vật giá trên đường Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Công việc chính của họ là xử lý dữ liệu, tổ chức sự kiện và truyền thông nội bộ. "Bọn mình chỉ làm khoảng 3 tiếng/ngày, tuần 3-4 buổi. Như vậy vừa đảm bảo việc học hành mà lại có thời gian rèn luyện rất nhiều kỹ năng. Thời gian đó mình còn làm thêm công việc nhập liệu cho một công ty nữa với thu nhập cũng rất khá".
Dù tốt nghiệp chưa lâu nhưng cả Quyên và Thủy đều tìm được công việc phù hợp, giúp họ trau dồi kinh nghiệm để áp dụng vào dự án của mình.
Khi còn đi học, Thủy và Quyên từng tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa. Trò chuyện với các bạn khác, họ hiểu rằng bạn bè mình cũng muốn đi làm nhưng lại sợ bị mắc bẫy và không biết bắt đầu từ đâu. "Bọn mình cũng từ quê lên Hà Nội, từng bị lừa, từng gặp khó khăn và đã phần nào tìm thấy con đường đúng đắn nên rất muốn giúp đỡ họ".
Nung nấu ý tưởng suốt 1 năm trời, tháng 1 vừa qua, cả hai đã cho ra đời một trang web cung cấp việc làm thêm uy tín. Dự án của họ cũng giành giải nhất trong cuộc thi "Khởi nghiệp cùng KaWai".
"Hiện tại, công việc chủ yếu do mạng lưới bạn bè, người quen của mình có nhu cầu tuyển dụng thì nhờ đăng lên đó. Ngoài ra, bọn mình cũng có đội ngũ cộng tác viên chuyên thu thập và check soát thông tin việc làm nên mức độ xác thực rất cao", Thủy chia sẻ.
Dự án của họ giành giải nhất trong cuộc thi "Khởi nghiệp cùng KaWai 2016".
Thủy cho biết, cô và Quyên đang cùng nhau xây dựng những tiêu chí cơ bản cho một công việc làm thêm. "Bọn mình dự định sẽ lập ra hệ thống sàng lọc tự động với những công việc quá vô lý như yêu cầu phải đóng tiền cọc hoặc việc nhàn lương cao... Hệ thống sẽ tự loại bỏ những công việc đó và CTV sẽ chỉ phải xác minh những công việc tốt hơn".
Theo lời Thủy, sau một thời gian vận hành, dự án Việc làm cho sinh viên- "Jobs for Student– J4S" đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên và các nhà tuyển dụng. Đến nay đã có hơn 3.200 công việc được đăng tải lên website J4S.vn và khoảng 1.500 bạn sinh viên đăng kí thành viên. Nhiều bạn tìm được công việc phù hợp, kiếm tiền tự nuôi bản thân ăn học và giúp đỡ gia đình.
"Nhưng mình vẫn có một tham vọng là một ngày nào đó, các bạn sinh viên có thể tự hào nói với bố mẹ là bố mẹ hãy yên tâm, con không bị lừa đâu vì việc làm con tìm được trên website "Jobs for Student", Thủy cười vui vẻ. Cô tâm sự, dù hiện tại đã bước qua quãng đời sinh viên nhưng cô vẫn hy vọng có thể giúp đỡ các bạn trẻ. "Mình nghĩ đi làm thêm rất quan trọng, không chỉ là kiếm tiền, nó còn giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm sống, rèn luyện kỹ năng mềm, tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai...".
Dù đã đi làm nhưng Thủy vẫn rất tâm huyết với các hoạt động cộng đồng.
Quay trở lại câu chuyện của mình, Thủy tâm sự, dù bận việc học và làm thêm, tham gia các hoạt động cộng đồng nhưng cô lại hoàn thành việc học rất sớm, đến năm cuối đã có thể đi làm full-time. "Mình nghĩ các bạn sinh viên, trong từng giai đoạn nên có mục tiêu rõ ràng cho mình. Năm nhất, năm 2 có thể làm thêm việc phổ thông để rèn tính kiên nhẫn, chịu áp lực và các kỹ năng mềm nhưng năm 3, năm 4 rồi thì nên làm việc liên quan đến chuyên ngành hoặc công việc đòi hỏi trình độ cao hơn, như vậy sẽ có lợi hơn sau khi ra trường".
Theo cô, các bạn sinh viên cũng nên cân bằng giữa việc làm thêm và chuyện học hành. Từng khoảng thời gian, tìm thấy những công việc phù hợp với mình. Có như vậy thì việc làm thêm mới phát huy tác dụng và đem lại lợi ích lâu dài. "Khi xây dựng dự án này, bọn mình cũng mong muốn các bạn khác cũng sẽ tìm được công việc phù hợp với hoàn cảnh của mình trong từng giai đoạn khác nhau. Giống như mình và Quyên, sau khi ra trường, đều có thể dễ dàng tìm được công việc phù hợp".
Tác giả bài viết: Thu Hường
Nguồn tin: