Kinh tế

Hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường kinh doanh ra sao?

Petrolimex đang chiếm trên 50% thị phần kinh doanh xăng dầu, PV Oil cũng sở hữu hơn 20%. Đây chính là 2 doanh nghiệp chiếm thị phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước hiện nay.

Cùng với điện, nước, xăng dầu được coi là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế. Đây cũng là một trong những mặt hàng rất nhạy cảm trước những biến động về chính trị và kinh tế trên thế giới.

Tại Việt Nam, mặt hàng này đang được Nhà nước quản lý nguồn nhập khẩu, điều phối giá và dự trữ chiến lược. Trên thị trường, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là hai đơn vị kinh doanh và bán lẻ xăng dầu lớn nhất.

Mỗi ngày, Petrolimex lãi 16 tỷ, PV Oil lãi 1,3 tỷ đồng

Báo cáo tài chính quý III mới công bố của Petrolimex cho biết, tập đoàn này đã ghi nhận hơn 48.640 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán xăng dầu và cung cấp dịch vụ đi kèm trong quý III.

So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của Petrolimex mới tăng hơn 5%, nhưng lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp này đạt được đã tăng tới 15%, với 1.311 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận ròng quý III của tập đoàn xăng dầu này đạt 1.112 tỷ đồng, tăng 25%.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận kỳ này của Petrolimex tăng nhờ việc công ty đã cắt giảm được chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay). Theo đó, chi phí này của công ty đã giảm từ gần 600 tỷ đồng kỳ trước xuống gần 212 tỷ trong quý vừa qua.

Lũy kế 9 tháng từ đầu năm, Petrolimex đạt 140.302 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2%. Cũng nhờ chi phí tài chính giảm hơn 500 tỷ đồng (40%) so với cùng kỳ mà lợi nhuận trước thuế đã tăng lên đạt 4.367 tỷ đồng, tăng 10%.

Tính bình quân từ đầu năm, Petrolimex ghi nhận gần 520 tỷ đồng doanh thu và hơn 16 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mỗi ngày. Biên lãi gộp kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này cũng vào khoảng 7,6%, tương đương tỷ suất cùng kỳ.

Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng trong kỳ chủ yếu do tỷ giá USD/VND quý III bình quân giảm 0,3% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,8% giúp tập đoàn giảm lỗ chênh lệch tỷ giá. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận 9 tháng tăng.

Về phần PV Oil, riêng quý III công ty này cũng ghi nhận hơn 20.841 tỷ đồng doanh thu thuần. So với niên độ từ 1/8/2018 đến 30/9/2018 (theo báo cáo tài chính), doanh thu năm nay của PV Oil đã tăng hơn 2,2 lần.

Tính trong 9 tháng, doanh thu thuần mà công ty xăng dầu này ghi nhận được là 59.427 tỷ, tăng 27%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 39%, đạt 351 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến đà sụt giảm lợi nhuận của PV Oil là việc hiệu quả kinh doanh bị sụt giảm đáng kể. Theo đó, biên lãi gộp kỳ này của công ty đã giảm xuống mức 3,6%, trong khi cùng kỳ là 4,7%.

Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 7% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28% cũng khiến hiệu quả kinh doanh của công ty sụt giảm.

Trung bình 9 tháng qua, doanh nghiệp này thu về 220 tỷ đồng doanh thu và 1,3 tỷ lợi nhuận trước thuế mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với kết quả kinh doanh của Petrolimex. Hiện biên lãi gộp của PV Oil cũng chỉ tương đương 1/2 so với Petrolimex.

Hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất

Tại thị trường Việt Nam, Petrolimex và PV Oil chính là hai doanh nghiệp kinh doanh và bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước. Trong khi Petrolimex sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, thì con số bên phía PV Oil cũng là trên 20%.

Ngoài ra, đây cũng là hai doanh nghiệp có số lượng điểm bán, cây xăng nhiều nhất.

Báo cáo thường niên của Petrolimex cho hay, đến cuối năm 2018, công ty có gần 6.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, trong đó hơn 2.500 cửa hàng thuộc sở hữu trực tiếp của tập đoàn.

Cùng năm, tổng sản lượng xuất bán xăng dầu của tập đoàn này đạt gần 12,9 triệu m3/tấn, tăng gần 5% so với năm 2017.

Số liệu của PV Oil cho biết, đến hết năm 2018, công ty vận hành và quản lý hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu trên cả nước với hơn 550 cửa hàng trực thuộc sở hữu công ty và hơn 3.000 cửa hàng vận hành dưới mô hình đại lý/nhượng quyền thương mại.

Sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường của công ty duy trì tốc độ tăng trưởng gần 5%/năm và đạt 3,2 triệu m3/tấn trong năm 2018. Điều này giúp công ty tiếp tục duy trì vị thế nhà phân phối xăng dầu lớn thứ 2 trên thị trường với hơn 20% thị phần trong nước.

Ngoài ra, PV Oil cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được phép thực hiện xuất nhập khẩu dầu thô từ nguồn khai thác của PVN.

Trong cơ cấu sở hữu hiện nay, phần vốn Nhà nước vẫn chiếm đa số tại hai doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này. Trong đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang là đại diện sở hữu 83,85% vốn tại Petrolimex. Cổ đông lớn nhất tại PV Oil hiện nay là PVN (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) sở hữu 76,51%.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok