Kinh tế

Thị trường bán lẻ Việt Nam có thực sự là “miếng mồi” béo bở?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN Phạm Đình Đoàn cho rằng, thị trường bán lẻ nội không "ngon ăn", các DN đang cạnh tranh để lấy thị phần và chấp nhận lỗ.

Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự gia tăng tiềm lực, mở rộng thị phần của các tập đoàn đa quốc gia như Aeon, Lotte, Auchan, BigC... Và mới đây nhất là kế hoạch "đổ bộ" vào Việt Nam của IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế đến từ Thuỵ Điển. Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối lớn của nước ngoài đã cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang giống như một "miếng mồi" béo bở. Nhưng trên thực tế, liệu "miếng mồi" này có "dễ xơi"?

Theo chia sẻ của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ nội địa rất tiềm năng và mới đang dừng lại ở mức "tiềm năng" khi đời sống của người Việt đang dần tăng lên, theo đó nhu cầu mua sắm cũng gia tăng.

Nhưng trên thực tế, đa số các doanh nghiệp phân phối hiện nay đều không có lãi. Chỉ trừ một vài doanh nghiệp truyền thống có lãi, kể các các doanh nghiệp nước ngoài cũng lỗ trong "cuộc đua" này, ông Đoàn cho hay.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn đang được nhìn nhận như một tiềm năng trong tương lai, vì có dân số đông, thu nhập đi lên và sức mua tăng dần. (Ảnh minh họa)

Sân chơi của các "đại gia" nhiều tiền?

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, bức tranh thương mại Việt Nam hiện tại là các doanh nghiệp đang cạnh tranh lẫn nhau để lấy thị phần và chấp nhận lỗ.

"Sức mua hiện tại chưa đủ lớn như kỳ vọng, cho nên phần lớn các siêu thị đang kinh doanh đều bị lỗ, những ông lớn như Metro, Bic C đều đang rất chật vật. Cụ thể, chuỗi phân phối như Fivi Mart cũng phải chịu lỗ gần 100 tỷ đồng/năm", ông Phạm Đình Đoàn thông tin.

Ông Đoàn cho rằng, nếu muốn hệ thống này "sống sót" thì phải có tiền để "nuôi". Mảng thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất có tiềm năng nhưng phải "nuôi" đến 10 năm mới nắm bắt được thì liệu doanh nghiệp Việt có đủ tiền để làm điều đó hay chưa đến 3 năm đã "ngất xỉu" phải đưa đi "cấp cứu".

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

"Chúng ta thường hướng đến tương lai, nhưng chưa hình dung tương lai đấy sẽ thế nào", ông Đoàn nói, và đưa ví dụ vì sao chuỗi bán lẻ Walmart khổng lồ của Mỹ vẫn đang nhòm ngó và chưa sẵn sàng nhảy vào Việt Nam dù họ nhìn thấy có tiềm năng tại thị trường này.

"Công ty Mỹ này đang chờ đợi đến khi nào thấy thật sự tiềm năng thì mới đầu tư, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thì quyết tâm xây dựng tương lai bằng cách tích góp cho đến khi "đủ lớn". Nhưng 10 năm sau rất có thể Walmart sẽ đầu tư ngay "sát vách" doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, nếu doanh nghiệp Việt chưa đảm bảo "sức khỏe" để chiếm lĩnh thị trường thì sẽ cầm chắc tờ giấy thông báo "phá sản", ông Phạm Đình Đoàn phân tích.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, với những tập đoàn lớn như Walmart, thường họ không mấy quan tâm đến đối thủ của mình là ai, họ cảm thấy cơ hội chín muồi là cấp tập nhảy vào đầu tư. Trong khi, doanh nghiệp Việt kiên nhẫn chờ đợi sau 10 năm, mới đón tương lai tươi sáng được vài ngày đã gặp ngay "ông lớn" kinh doanh ngay "gần nhà" thì khả năng tồn tại là rất mong manh.

Do đó, theo ông Phạm Đình Đoàn, nói về thị trường bán lẻ hiện nay tại Việt Nam thì phải nhìn dưới góc độ tổng thể. Trước đây khoảng hơn 10 năm, ông Đoàn đã từng đề xuất với Chính phủ nên xóa bỏ cơ chế bảo hộ, vì khi đã ký các hiệp định thương mại tự do thì không được phép phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nước, không thể hô hào phải ủng hộ doanh nghiệp trong nước, vì nếu doanh nghiệp bị phát hiện có dấu hiệu được bảo hộ thì sẽ ngay lập tức bị kiện.

Nỗi lo hàng ngoại tràn ngập

Theo ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, sức cầu trong nước hiện đang ở mức cao nhưng các nhà bán lẻ trong nước chưa tận dụng được. Ngược lại, các nhà bán lẻ ngoại xâm nhập vào rất lớn, hàng hóa nước ngoài tràn vào siêu thị như hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Trong khi đó, hàng Việt Nam vẫn đang chật vật vào thị trường ngoại.

Rõ ràng, sức cầu của nền kinh tế rất lớn, tạo nên "miếng mồi" béo bở cho các doanh nghiệp ngoại, ông Tuấn cho biết, đồng thời lo lắng, nếu các DN Việt không đáp ứng được sức cầu trên thị trường nội địa thì nền kinh tế sẽ kém bền vững trong tương lai.

Thị trường tiêu dùng Việt đang cạnh tranh khốc liệt, và đối tượng được hưởng lợi chính là người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Về lo ngại trước việc các tập đoàn lớn của nước ngoài vào Việt Nam thì thị trường tiêu dùng Việt Nam chỉ tràn ngập hàng của nước ngoài. Ông Phạm Đình Đoàn khẳng định sẽ không bao xảy ra chuyện đó. "Không có chuyện doanh nghiệp Thái Lan, Đức, Mỹ tràn vào Việt Nam thì chỉ toàn hàng hóa các nước này", ông Đoàn nói.

Cho rằng cũng có thể có chút ưu tiên, nhưng ông Đoàn cho rằng, người ta sẽ chỉ bán những gì mà thị trường cần. "Đơn cử, nếu thị trường cần hàng Nhật Bản thì sẽ tràn ngập hàng Nhật ngay trong các siêu thị của Thái Lan, Đức, Mỹ...", ông Đoàn nêu rõ.

Bài học nào cho Việt Nam từ Walmart?

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nêu quan điểm: Lý thuyết đưa ra cho thị trường bán lẻ chính là "muốn cạnh tranh thì phải mua rẻ, bán rẻ". Người tiêu dùng chỉ muốn được mua rẻ, do đó, các siêu thị muốn có lãi thì chỉ còn cách chọn nhà cung cấp đầu vào rẻ. Mà muốn mua được giá rẻ thì siêu thị đó phải đủ lớn.

Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ cần phải mua rẻ, bán rẻ. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ câu chuyện của Walmart, khi siêu thị này đàm phán với nhà cung cấp hàng là doanh nghiệp Việt Nam, thường họ không đề cập đến việc chiết khấu như với các đối tác khác, thay vào đó, họ sẽ đặt thẳng vấn đề với nhà cung cấp hàng bằng cách yêu cầu cho xem sổ sách, sản xuất một chiếc quạt giá bao nhiêu tiền.

Ví dụ, nếu sản xuất 100 USD thì Walmart sẽ trả 110 USD, không có chuyện bên cung cấp hàng bán cho Walmart với giá 200 USD rồi tự chiết khấu lại 20% cho Walmart. Ở đây Walmart muốn thể hiện quyền lực thuộc về kẻ mạnh, họ sẽ mua hàng dựa vào phần trăm trên giá thành sản xuất để đảm bảo cho nhà sản xuất có lãi, ông Đoàn thông tin.

Đối với doanh nghiệp vận tải Walmart cũng áp dụng phương án này. Một ngày Walmart vận chuyển hàng nghìn container từ Trung Quốc sang Mỹ. Họ đến hãng tàu vận chuyển "làm giá" bằng cách hỏi thẳng chuyện thuê tàu, trả tiền tiêu hao nhiên liệu, cộng khấu hao vận chuyển. Và tính ra, Walmart chỉ phải trả 300 USD/container, trong khi giá vận chuyển thông thường lên tới 700 – 800 USD. Như vậy mới thấy sức cạnh tranh về giá của Walmart "khủng khiếp" như thế nào.

Bên cạnh đó, Walmart còn có hệ thống phần mềm quản lý, marketing, ship hàng và các ứng dụng cho khách hàng rất hiện đại.

Trở lại câu chuyện bán lẻ của Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn đặt vấn đề: Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đủ nguồn lực để làm như vậy không? Nếu không, cần phải dựa vào thế của kẻ mạnh để liên kết, phối hợp cùng phát triển./.

Tác giả: Trần Ngọc

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok