Nokia quay trở lại sân chơi smartphone với loạt điện thoại Android từ bình dân đến cao cấp. Fan lâu năm của thương hiệu Phần Lan mừng thầm khi lần lượt Nokia 3, 5, 6 và 8 ra đời và sắp đến là Nokia 9. Camera dùng ống kính Zeiss đã quay trở lại trên smartphone Nokia, nhưng vẫn thiếu hai đặc trưng từng dẫn đầu về công nghệ.
Đầu tiên, phải kể đến công nghệ camera PureView danh tiếng. Nokia 808 PureView với camera lên đến 41 MP ra mắt vào năm 2012 là một cú sốc đối với tất cả các hãng di động, kể cả Apple hay Sony. Máy cho ảnh lớn, chi tiết, độ nét cao và cảm giác như một bức ảnh chụp nghiêm túc từ máy ảnh số, không qua nhiều thuật toán xử lý như trên các smartphone khác.
Từng có thời điểm camera iPhone và Sony Xperia không thể địch lại bộ đôi ống kính Zeiss và PureView trên smartphone Lumia. Ảnh: Nokia. |
Liên tiếp những năm sau đó, Nokia mang PureView lên Lumia 920, Lumia 925, Lumia 928, Lumia Icon, Lumia 830, Lumia 930, Lumia 1020, 1520. Qua từng năm, công nghệ này ngày càng hoàn thiện hơn khi cải thiện khả năng chụp thiếu sáng, khử nhiễu, zoom nhẹ không giảm chất lượng ảnh...
Đến thời của Microsoft, Lumia 950 và 950 XL cũng được trang bị công nghệ này, nhưng đã tỏ ra đuối sức so với các đối thủ đến từ Apple, Samsung vì đội ngũ đứng sau công nghệ này đã rời bỏ công ty.
Tương tự, Clear Black Display là công nghệ giúp làm lệch tia khúc xạ, giúp màn hình máy trong trẻo hơn khi dùng ngoài nắng mà không cần đẩy độ sáng màn hình lên cao như những smartphone ngày nay. Clear Black Display từng được giới công nghệ đánh giá rất cao, nhưng cũng đã "thất truyền" khi về tay Microsoft.
Điều gì đã xảy ra với PureView và Clear Black Display?
Trong ngày ra mắt Nokia 8 tại Việt Nam, đại diện của HMD Global cho biết khi Microsoft nhượng lại thương hiệu Nokia lại cho FHI Mobile và HMD Global, có những công nghệ chưa được chuyển giao trọn vẹn. Bản thân vị này cũng không có thông tin gì về PureView hay Clear Black Display nữa.
"Dấu vết" về PureView trên Internet gần nhất là bài viết của The Verge đăng ngày 9/5/2014 với tựa đề "Apple tuyển người dẫn đầu bộ phận nhiếp ảnh của Nokia Lumia". Theo đó, Ari Partinen, đồng sáng lập của công nghệ PureView đã về làm việc cho Apple.
Ngoài Ari Partinen, nhóm nhân sự phát triển PureView cũng về tay Microsoft một thời gian (trong lúc thai nghén bộ đôi Lumia 950 và 950 XL).
Ari Partinen, nhiếp ảnh gia thương mại kiêm trưởng nhóm nhiếp ảnh của Nokia Lumia, đã đầu quân cho Apple để hoàn thiện các thuật toán, giải pháp hình ảnh trên iPhone. Ảnh: Regmedia. |
Nhưng sau đó, tất cả đều rời khỏi công ty này. Juha Alakarhu, người đứng đầu nhóm phát triển công nghệ hình ảnh, trở về với Nokia Phần Lan để làm trưởng nhóm phát triển Ozo.
Tero Vuori, kỹ sư đánh giá chất lượng camera, qua làm việc cho Intel Phần Lan ở lĩnh vực khác. Eero Salmelin, Giám đốc bộ phận hình ảnh của Nokia Lumia, về Huawei để phát triển công nghệ camera cho hãng điện thoại Trung Quốc.
Có thể nói, PureView đã chết, và những con người cùng phát triển công nghệ này đã đầu quân cho những công ty đối thủ của nhau. Trong vài năm qua, Huawei đã nổi lên như một thế lực mới khi là hãng đầu tiên thử nghiệm công nghệ camera kép và hợp tác với Leica. Trong khi đó, Apple chưa bao giờ là kẻ chiếu dưới nếu xét về chất lượng ảnh chụp trên iPhone.
Nếu Microsoft vẫn "cố đấm ăn xôi", tiếp tục mang PureView lên các sản phẩm kế tiếp, đó sẽ là một trò cười vì chẳng còn ai làm việc cho hãng đủ khả năng để phát triển nó. Quan trọng hơn, Microsoft cũng không còn sản xuất điện thoại di động.
Xấu số hơn PureView, Clear Black Display dường như đã biến mất hoàn toàn, không còn xuất hiện trên các sản phẩm thương mại hai năm gần đây. Microsoft vẫn giữ bằng sáng chế về công nghệ này nhưng thậm chí không áp dụng nó lên chiếc Surface Pro.
Hãy trách Microsoft, hãng phần mềm giàu có nhất thế giới nhưng không "mát tay" với mảng phần cứng. Cái chết của Nokia Lumia và sự biến mất của hai công nghệ giá trị bậc nhất trên smartphone là minh chứng cho điều này.
Tác giả: Duy Tín
Nguồn tin: zing.vn