Nghe cán bộ nên ôm nợ!
Nhiều hộ dân chăn nuôi lợn ở xã Hương Lâm phản ánh việc họ bị cán bộ xã lừa làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ phát triển chăn nuôi.
Để nhận được tiền các nguồn hỗ trợ, các hộ dân phải đầu tư mở rộng chuồng trại theo quy mô từ 20 con trở lên, đầu tư lắp xây bể tắm và lắp đặt hệ thống bioga theo yêu cầu.
Hộ chăn nuôi gia đình ông Phan Khắc Lưu có tên trong danh sách nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 90, nhưng gia đình không được nhận. |
Chị Trần Thị Chiên (xóm 7, xã Hương Lâm) phản ánh: “Gia đình tôi nuôi lợn nhiều năm nay, đến cuối năm 2015, chị Thuận (Chủ tịch Hội nông dân xã) về nói làm chuồng mà nhận tiền hỗ trợ của dự án. Mong muốn mở rộng chăn nuôi, nên khi nghe có nguồn hỗ trợ, gia đình phá chuồng đang nuôi, vay ngân hàng để mở rộng chuồng, bể, quy mô chăn nuôi lên 100 con.
Sau đó, đoàn cán bộ của huyện và xã về nghiệm thu. Mức hỗ trợ của gia đình tôi được 7,5 triệu nhưng chỉ nhận được 5 triệu, còn 2,5 triệu thì ký chứ không được lấy. Giờ trong chuồng hơn 70 con lợn bán rẻ, mà tiền vay ngân hàng làm chuồng thì chưa trả được”.
Ông Phan Khắc Lưu (ở xóm 4) bức xúc: “Lúc chưa làm chuồng theo chương trình hỗ trợ thì gia đình không phải nợ nần.
Khi làm chuồng thì cán bộ xã thúc giục làm nhanh để lập danh sách, nên chạy đôn chạy đáo để vay tiền. Giờ làm xong, nuôi lợn mấy năm, tiền hỗ trợ nghe nói về xã rồi, nhưng dân chúng tôi vẫn chưa được nhận. Làm theo cán bộ nói, giờ gia đình gánh khoản nợ 150 triệu tiền xây chuồng với 280 triệu tiền cám. Trong khi lợn bán không được”.
Ông Lưu làm tổ trưởng tổ chăn nuôi lợn, trong tổ của ông có hơn 30 hộ tham gia. Các hộ trong tổ ông Lưu và các tổ chăn nuôi khác cũng rơi vào tình trạng chưa nhận được tiền hỗ trợ, hoặc tiền hỗ trợ ký nhận cao, nhưng thực nhận thì không đủ.
Nhiều hộ chăn nuôi chuồng trại quy mô thì phải góp tiền tiếp đoàn nghiệm thu, được hỗ trợ 10 triệu nhưng chỉ nhận 7,5 triệu. |
Theo một cán bộ xã Hương Lâm thông tin, những hộ nuôi lợn có chuồng trại đạt tiêu chuẩn hỗ trợ thì đang nợ nần và mong chờ nguồn hỗ trợ năm này qua năm khác. Trong khi đó, một số hộ không đủ tiêu chuẩn vẫn được nhận tiền hỗ trợ. Ví dụ: Hộ bà Nguyễn Thị T (ở xóm 4), diện tích chuồng nhỏ, không đúng tiêu chuẩn, không có hầm bioga theo quy định. Hộ bà Nguyễn Thị T (ở xóm 3), làm chuồng 2 ô nuôi gà, không có bể tắm cũng được nghiệm thu, và được nhận tiền hỗ trợ.
Đầu năm 2015, UBND huyện Hương Khê phân bổ kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn 6 tháng cuối năm 2014 trên toàn huyện. Ở xã Hương Lâm có 32 mô hình chăn nuôi lợn được hỗ trợ với mức 3 triệu/mô hình. “Hỗ trợ 3 triệu, nhưng mỗi hộ chúng tôi chỉ nhận được 2,1 triệu. Còn 900 ngàn họ giữ lại. Cán bộ chi trả nói chỉ trả 70%, còn họ không giải thích gì cả”- chị Đinh Thị Cứu (xóm 5) kể.
Lách luật tránh kiểm tra
Mỗi hộ chăn nuôi ở tổ hợp tác của ông Lưu khi nhận tiền hỗ trợ phải trích lại 1 triệu đồng để “tiếp khách” các đoàn trên huyện về nghiệm thu mô hình.
“Tiền này bỏ phong bì tiếp đoàn là làm theo gợi ý của cán bộ hội nông dân xã. Mỗi tổ được hỗ trợ 7 triệu đồng tiền quỹ, nhưng không tổ nào được nhận” chị Trần Thị Nga chia sẻ.
Danh sách những hộ bị trùng nguồn do cán bộ xã thay tên, xáo tên “lách luật” đánh lừa dân để nhận tiền hỗ trợ bị phát hiện. |
Làm việc với xã Hương Lâm, ông Lê Hữu Thức - Phó chủ tịch UBND xã cho rằng “Các hộ chăn nuôi lợn được hỗ trợ các đợt theo Quyết định 3330/2014 của UBND tỉnh, theo Nghị Quyết 90/2014 của HĐND tỉnh, và quyết định 157/2015 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ chăn nuôi. Quyết định 3330 là hỗ trợ các xã thực hiện Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hương Lâm được hỗ trợ 2 tỉ đồng, trong đó trích một phần trong đó để hỗ trợ phát triển chăn nuôi.
Còn Nghị Quyết 90 thì việc hỗ trợ tôi không nắm rõ, vì lúc đó ông Mạnh làm chủ tịch nắm, còn tôi mới lên giữ chức phó chủ tịch gần đây. Hồ sơ ở phòng kế toán UBND xã hiện tại phía cơ quan chức năng đang niêm phong để điều tra nên chưa bàn giao cho xã. Kế toán cũ bị buộc thôi việc cũng làm thủ tục bàn giao cho kế toán mới, nên không nắm được hồ sơ. Còn việc người dân chăn nuôi lợn phản ánh là có, và họ đã gửi đơn ra huyện rồi”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người chăn nuôi lợn ở xã Hương Lâm chỉ được nhận hỗ trợ một lần, nếu nhận ở Quyết định 3330 thì không được nhận ở Nghị quyết 90 và 157. Thế nhưng cán bộ xã Hương Lâm vẫn xây dựng hồ sơ các hộ chăn nuôi đã được hưởng hỗ trợ lần 1, để làm danh sách đề xuất nghiệm thu hưởng các lần hỗ trợ từ nguồn khác.
Khi lập danh sách mới để trình huyện về nghiệm thu, cán bộ xã đã thay tên chủ hộ bằng tên người khác trong gia đình. Có trường hợp dùng tên con cái, và dùng tên hàng xóm để tránh bị phát hiện. Số lượng trùng tên cả trong chăn nuôi lợn và trồng cây cam trong xã theo tìm hiểu của phóng viên đã hơn 40 hộ.
Bà Phạm Thị Thuận - Chủ tịch Hội nông dân xã Hương Lâm thừa nhận “Vì quy định mỗi hộ chăn nuôi chỉ được nhận một nguồn hỗ trợ, mà nguồn 3330 thực hiện trước, nên mức hỗ trợ ít. Nguồn theo Nghị Quyết 90 nhiều vì hỗ trợ theo con với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/con (trong đó tỉnh hỗ trợ 750 ngàn, huyện hỗ trợ 250 ngàn).
Chúng tôi muốn lách luật để cho dân được hưởng, nên phải thay tên danh sách khỏi trùng với lần trước để tránh thanh tra, kiểm tra. Việc này dân không biết, nên họ thắc mắc”.
UBND xã Hương Lâm, nơi cán bộ phụ trách chăn nuôi đã lập khống danh sách người nuôi lợn để nhận tiền hỗ trợ. |
Việc các hộ chăn nuôi nhận số tiền thấp hơn với con số đã ký nhận trong danh sách, bà Thuận vòng vo “vì thời điểm đó có 2 tổ hợp tác, nên mức hỗ trợ khác nhau, một tổ 5 triệu/hộ, một tổ nhận 10 triệu/hộ, nên các hộ không đồng ý. Chúng tôi đã họp với các thành viên rồi chia đều, nên có người ký 10 triệu chỉ nhận 7,5 triệu hay ký 8 triệu nhưng chỉ nhận 4 triệu là vậy”.
Mỗi hộ phải trích 1 triệu đồng để “tiếp đoàn” về nghiệm thu, theo bà Thuận “đó là dân tự nguyện, không phải gợi ý của bà”.
Còn ông Nguyễn Thừa Lộc - Phó phòng NN&PTNT huyện Hương Khê trình bày: “Đoàn về nghiệm thu không có tiền đâu, vì dân biết đoàn ở xa về nên góp lại mời bữa cơm thôi”.
Tác giả: Thanh Hà - Đặng Sơn
Nguồn tin: Báo Infonet