Trong nước

Hà Nội có hơn 380 dự án chậm triển khai

Nhiều dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai, khi được thành phố mời lên làm việc, chủ đầu tư đã bất hợp tác.

Sáng 13/8, HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường và kết quả giám sát của Thường trực HĐND thành phố, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23...

Huyện Mê Linh là một trong các địa phương có nhiều dự án chậm triển khai. Ảnh: Giang Huy.

Nhiều dự án trên "đất vàng" chậm triển khai

Trả lời về dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông chỉ ra nhiều nguyên nhân như: thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô... Chủ đầu tư vi phạm đều được Sở công khai trên cổng thông tin và đây là một trong những căn cứ để xem xét không giao dự án mới.

Không đồng tình, Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Hoài Nam chất vấn: "Sở nói công khai dự án vi phạm và không cấp dự án mới cho các chủ đầu tư có vi phạm, nhưng tôi thấy chưa chắc đúng và xin trao đổi lại".

Ông Nam chỉ rõ dự án của Tân Hoàng Minh tại 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) đã chậm chục năm. Dự án tại 22-24 Hàng Bài, ông từng chất vấn và Chủ tịch thành phố nói là đã xin điều chỉnh xây khách sạn, nhưng đến bây giờ vẫn án binh bất động. Dự án của T&T tại khu vực Lý Thường Kiệt; dự án tại 19 Hàng Khoai của Hapro cũng chậm 10 năm nay, giờ đang làm điểm trông giữ xe và tạo ra nguy cơ cao về mất an ninh trật tự...

"Phải chăng chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm của mình, còn nể nang các nhà đầu tư. Chúng ta tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kinh doanh đúng quy định, nhưng cũng cần có thái độ dứt khoát để họ nghiêm túc triển khai dự án đúng tiến độ cam kết", Trưởng ban Pháp chế nói.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, các dự án được đại biểu Nam nêu đều được thành phố đôn đốc. Cụ thể với dự án 94 Lò Đúc, thành phố đã yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng hai trường học trên khu đất này và chủ đầu tư cam kết thực hiện. Dự án tại 22-24 Hàng Bài, chủ đầu tư xin chuyển đổi chức năng từ căn hộ cao cấp sang khách sạn, thành phố đã đồng ý chủ trương và sẽ sớm thẩm định thiết kế. Dự án Văn phòng và khách sạn ở Lý Thường Kiệt, tập đoàn T&T sẽ triển khai trong thời gian tới...

Sẽ công khai 47 dự án bị thu hồi

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất đã góp phần phát triển hạ tầng đô thị, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đóng góp ngân sách hàng năm cao, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của thành phố. Tuy nhiên, ông Chung đồng tình với đại biểu là cần kiên quyết xử lý một số dự án chậm, vi phạm Luật đất đai. “Ngay sau phiên giải trình, thành phố sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm, cần thu hồi”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Võ Hải.

Chủ tịch Chung cho hay, thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi thực sự không thể tiếp tục. Với 22 dự án được phê duyệt xây trụ sở văn phòng tại quận Cầu Giấy, thành phố đã 8 lần mời chủ đầu tư lên đối thoại và gia hạn đến cuối tháng 8 nếu không có cam kết rõ ràng sẽ thu hồi.

Tương tự, trong 46 dự án chậm triển khai của huyện Mê Linh (được cấp phép vào tháng 7/2008), có 8 trường hợp thành phố đã 10 lần mời lên đối thoại, nhưng chủ đầu tư không lên, buộc phải thu hồi. 38 dự án còn lại đang vướng mắc về chính sách giá đất, giải phóng mặt bằng... thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành để có câu trả lời thỏa đáng cho các chủ đầu tư.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc để tồn đọng 383 dự án chậm do nhiều nguyên, trong đó có việc cơ quan quản lý các sở ngành, quận huyện chưa làm hết trách nhiệm, nể nang, né tránh. Bà Ngọc đưa ra ví dụ, từ tháng 10/2012 đến 3/2018, UBND thành phố ban hành 38 quyết định thu hồi dự án, nhưng đến nay còn 22 dự án chưa được thực hiện.

Việc kiểm tra, cập nhật số liệu dự án chậm cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Sở Tài nguyên báo cáo có 161 dự án chậm và có dấu hiệu vi phạm, nhưng số liệu đoàn giám sát thống kê qua báo cáo của quận, huyện thì lên tới 383.

Lãnh đạo cơ quan dân cử của Hà Nội cho hay, sẽ giám sát việc tham mưu, xử lý 383 dự án chậm, đồng thời xem xét đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND cuối năm 2019.

Tác giả: Võ Hải

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: triển khai , dự án , hà nội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok