Theo thông tin từ gia đìn, do tuổi cao, sức yếu GS. NGND Ngô Thúc Lanh qua đời lúc 8h14' ngày 26/3/2019, tức ngày 21/2 năm Kỷ Hợi, hưởng thọ 97 tuổi.
GS Ngô Thúc Lanh qua đời ở tuổi 97
|
GS Ngô Thúc Lanh, sinh năm 1923, quê ở huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây, nay là TP. Hà Nội. GS Ngô Thúc Lanh được mệnh danh là cha đẻ của ngành sư phạm toán học khi năm 1956, ông cùng với GS Nguyễn Cảnh Toàn xây dựng khoa Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS Lanh là người viết cuốn đại số đầu tiên ở Việt Nam.
Trong diễn đàn Toán học sinh viên có bài viết nhìn nhận về GS Ngô Thúc Lanh như sau: "Thầy từng là sinh viên trường Đại học Đông Dương. Sau cách mạng tháng tám, thầy tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trở thành một trong những giáo viên đầu tiên của trường trung học kháng chiến Chu Văn An. Bậc học cao nhất ở chiến khu lúc bấy giờ. Sau đó, thầy được điều động sang dạy học tại khu học xá Trung ương ở Nam Ninh Trung Quốc. Hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) các trường đại học non trẻ của nước ta ra đời. Cùng với các giáo sư Lê Văn Thuân, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Tuy, Nguyễn Cảnh Toàn..., giáo sư Ngô Thúc Lanh đã tham gia xây dựng chương trình, viết giáo trình và giảng dạy rất nhiều môn toán khác nhau. Thầy đã đào tạo nhiều lớp cán bộ giảng dậy và nghiên cứu Toán học làm nòng cốt cho các trường đại học và các viện nghiên cứu ngày nay. Những năm thầy làm chủ nhiệm khoa (1956 - 1972) là những năm đầu khoa Toán phải trải qua thời kỳ gian khổ vô cùng thiếu thốn".
Trong một bài viết trên báo Tiền Phong, nhà báo Quý Hiên ghi lại lời của GS Vũ Tuấn (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội) rằng: Thời kỳ GS Ngô Thúc Lanh làm Chủ nhiệm khoa (1956 – 1972) là giai đoạn “khoa Toán làm việc nghiêm túc nhất, dạy dỗ chuẩn mực, học tập và lao động hăng say nhất”. Còn GS Đoàn Quỳnh, một đồng nghiệp đàn em của GS Ngô Thúc Lanh nhớ lại: “Tuy anh Lanh là lãnh đạo nhưng chúng tôi cảm giác rất dễ dàng chia sẻ các vấn đề với anh. Thời đó, người ta đánh giá con người thiên về thành phần xuất thân nhưng anh Lanh lại rất rộng lượng. Ai cứ có tài, ham học hỏi là được anh ghi nhận, khuyến khích. Anh tạo nên không khí hăng say tìm tòi cái mới trong khoa học.
"Gặp anh Ngô Thúc Lanh, tôi yên tâm ngay. Một con người bình dị hơn tôi tưởng. Một chủ nhiệm khoa, lại vào lúc bom đạn, sinh viên ở rải ra mấy xã, mấy thôn ven sông Đáy, phải lo từ kế hoạch giảng dạy đến khâu nghiên cứu khoa học, chưa đủ lại còn lo chuyện đời sống cho cán bộ, sinh viên trong thời kỳ còn bao cấp. Vất vả lắm! Mà tôi thấy anh Lanh vẫn điềm tĩnh ung dung. Anh có cốt cách của một "nhà nho mới": "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Tôi thầm phục anh Lanh ở điểm đó….
Dù khi công tác hay về hưu, GS Lanh vẫn 'đó là nhân cách lớn của một trí thức yêu nước, thuỷ chung với nghề cao quý- nghề dạy học, trồng người. Trước và sau, giáo sư Ngô Thúc Lanh luôn trọng Tín- Nghĩa, trong công việc và cách sống đời thường. Về nghỉ hưu, anh vẫn nặng lòng với ngành giáo dục, vẫn viết sách Toán cho các lớp phổ thông, vẫn góp tiếng nói cho ngành nói chung, cho ngành Toán nói riêng".
Gia đình GS Ngô Thúc Lanh đều là những người nổi tiếng trong toán học, trong đó cháu họ là GS Ngô Bảo Châu được trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới.
Lễ viếng GS Ngô Thúc Lanh, được cử hành từ 9h30 đến 10h45, ngày thứ năm 28/3/2019 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển. An táng tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, tỉnh Hoà Bình |
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet