Thế giới

Gọi Triều Tiên là nước tài trợ khủng bố, Mỹ hết hy vọng đối thoại

Những hy vọng mong manh về khả năng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên gần như tiêu tan, sau khi Tổng thống Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Mặc dù Triều Tiên chưa thử thêm vũ khí trong 2 tháng qua, ông Trump ngày 20/11 vẫn tuyên bố xếp Triều Tiên vào danh sách đen này cùng Sudan, Syria và Iraq.

Ngày 21/11, Mỹ tuyên bố lệnh trừng phạt mới lên một số công ty Trung Quốc và Triều Tiên, trong kế hoạch “gây sức ép tối đa” lên Bình Nhưỡng của ông Trump.

Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang kèm theo những nhiều đe dọa vũ trang từ hai phía.

Theo New York Times, giới phân tích nói các lệnh trừng phạt mới sẽ khó làm Triều Tiên lung lay, vì nước này vốn đã bị cấm vận nặng nề.

Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận điều này khi nói với các phóng viên “tác động trên thực tế sẽ chỉ ở mức giới hạn”.

Nhưng động thái này sẽ khiến ngoại giao trở nên khó hơn, đồng thời không mang lại cho Mỹ thêm lợi thế nào trong ván cờ với Triều Tiên.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ coi đây là cái cớ để nước này theo đuổi đến cùng chính sách cứng rắn là phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Bến tàu trung tâm ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, tháng 11/2017. Ảnh: AFP/Getty Images. Cánh cửa đàm phán ngày càng hẹp


“Động thái này khó có thể tác động lên Triều Tiên, vì Triều Tiên đã trải qua đủ các biện pháp trừng phạt trong 7 thập kỉ”, Paik Hak-soon, chuyên viên cao cấp ở Viện Sejong, một tổ chức nghiên cứu ở Hàn Quốc.

“Dù vậy, quyết định này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên là ông Trump không có ý định đối thoại, và càng biến Mỹ thành thế lực thù địch trong mắt Triều Tiên”, ông nói với New York Times.

Lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un, nổi tiếng nhạy cảm với các mối đe dọa nhằm vào đất nước mình. Ông Kim đã gọi ông Trump là “kẻ loạn trí” sau khi tổng thống Mỹ đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trong phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm nay.

Ông Kim cũng từng nói sẽ tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo trên biển Thái Bình Dương, và đe dọa thử bom nhiệt hạch trong bầu khí quyển Thái Bình Dương.

Một quan chức tình báo Mỹ chuyên theo dõi Triều Tiên, trả lời Reuters với điều kiện ẩn danh, nói động thái này có thể phản tác dụng, khiến Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hoặc hạt nhân và tình thế sẽ trở nên “khó kiểm soát”.

“Dù có bị liệt vào danh sách tài trợ khủng bố hay không, họ sẽ đi theo kế hoạch phát triển vũ khí của riêng mình”, theo Yun Duk-min, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hankuk ở Seoul.

“Khi Triều Tiên có đủ công nghệ, họ sẽ không chần chừ thử tên lửa”, ông Yun, từng là hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nói với New York Times.

Tuyên bố của ông Trump sẽ tạo cho Triều Tiên cái cớ cho việc thử vũ khí và “đẩy trách nhiệm về phía Mỹ”, ông Lee-Sung-yoon, chuyên gia về Triều Tiên ở Đại học Tufts, Mỹ, nói với New York Times.

Phản ứng của khu vực

Những viễn cảnh trên là thách thức cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đang cố gắng xoa dịu căng thẳng giữa lúc Hàn Quốc chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Mùa Đông tháng 2 năm sau.

Nhiều người ủng hộ đường lối cấp tiến của ông Moon tin rằng các phát ngôn gây căng thẳng, đầy đe dọa của ông Trump đã làm tăng nguy cơ chiến tranh. Trong khi đó, những người theo đường lối bảo thủ hoan nghênh quyết định của Washington.

Một cuộc biểu tình chống Triều Tiên ở Seoul đầu tháng này. Những người Hàn Quốc có quan điểm bảo thủ hoan nghênh quyết định của Washington liệt Triều Tiên vào dạng các nước tài trợ khủng bộ. Ảnh: AP.

Ngày 21/11, chính quyền ông Moon nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Washington, gạt đi những ý kiến nói hai đồng minh lâu năm đang mâu thuẫn về chính sách.

“Bất chấp việc Triều Tiên bị liệt vào danh sách tài trợ khủng bố, Hàn Quốc và Mỹ vẫn cùng cố gắng đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân một cách hòa bình, và điều này không có gì thay đổi”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.

Ở Tokyo, thủ tướng Shinzo Abe vốn có lập trường cứng rắn với Triều Tiên đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ. “Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ quyết định này, vì nó sẽ tăng sức ép lên Triều Tiên”, ông trả lời các phóng viên ngày 21/11.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chịu áp lực từ phía Mỹ yêu cầu ông làm nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên, đã cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng cuối tuần qua.

Tuy nhiên, đặc phái viên Tống Đào trở về Trung Quốc hôm thứ Hai 20/11 gần như “trắng tay”, theo New York Times. Cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên đều chưa xác nhận ông Tống đã gặp ông Kim.

“Triều Tiên biết mình sắp bị đưa vào dạng quốc gia tài trợ khủng bố, vì vậy họ muốn chứng tỏ mình không cúi đầu trước sức ép dù là từ Mỹ hay Trung Quốc”, Kim Yong-hyun, một chuyên viên về Triều Tiên ở Đại học Dongguk ở Seoul, nói với New York Times.

Đặc phái viên Trung Quốc Tống Đào (giữa) trong chuyến đi tới Triều Tiên. Ảnh: Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên. Khơi dậy những tranh cãi quá khứ

Tuy không tác động mạnh tới Triều Tiên, việc nước này bị đưa lại vào nhóm các nước tài trợ khủng bố có ý nghĩa đặc biệt với nạn nhân của những vụ việc gây tranh cãi đã khiến Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách này lần đầu tiên năm 1988.

Một trong số đó là cáo buộc một đặc vụ Triều Tiên cài bom gây nổ chuyến bay 858 của hãng Korean Air từ Baghdad tới Seoul năm 1987, khiến toàn bộ 115 hành khách thiệt mạng.

Năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush xóa tên Triều Tiên khỏi danh sách, trong một thỏa thuận nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã nhanh chóng tan rã.

Các nước trong danh sách này sẽ chịu trừng phạt của Mỹ, bao gồm cấm bán vũ khí, cấm vận kinh tế và các biện pháp trừng phạt khác, theo Washington Post.

Tại Tokyo vào đầu tháng này, ông Trump đã gặp thân nhân của những người Nhật mà Triều Tiên bị cáo buộc đã bắt cóc nhiều thập kỉ trước để dạy ngôn ngữ và văn hóa cho gián điệp Triều Tiên.

Các gia đình Nhật hi vọng danh sách quốc gia tài trợ khủng bố có thể gây sức ép buộc Triều Tiên trao trả người thân đã bị bắt cóc, theo New York Times.

“Tôi muốn thấy những người bị bắt cóc được giải cứu giữa sức ép ngày càng mạnh mẽ”, Sakie Yokota, 81 tuổi, có con gái bị bắt cóc năm 13 tuổi, nói với báo Sankei Shimbun sau khi gặp Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump gặp gia đình của những người Nhật mà Triều Tiên bị cáo buộc đã bắt cóc, trong đó có Sakie Yokota (giữa, phía trước), 81 tuổi, có con gái bị bắt cóc năm 13 tuổi. Ảnh: Reuters.

Việc xếp Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố cũng làm an lòng Choi Sung-yong, người dẫn đầu một nhóm gồm có gia đình của các ngư dân và những người Hàn Quốc khác nghi bị Triều Tiên bắt cóc nhiều thập niên trước.

Ông Choi nói với New York Times "tôi hi vọng danh sách tài trợ khủng bố này sẽ khiến dư luận chú ý hơn tới các gia đình chúng tôi”.

3 siêu tàu sân bay Mỹ xuất quân trong cuộc tập trận sát Triều Tiên Cuộc tập trận kéo dài 4 ngày của hải quân Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc có sự tham gia của 3 siêu tàu sân bay Mỹ, các tiêm kích F/A-18 và F-35 cùng nhiều khí tài quân sự hiện đại.

Tác giả: Trọng Thuấn (Theo New York Times)

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: triều tiên , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok