Trong tỉnh

Giữ nguyên vẹn rừng lim xanh trăm tuổi

Nhờ dân làng ra sức bảo vệ, rừng lim xanh hơn 100 tuổi, rộng 25 ha ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa luôn tươi tốt, trở thành lá phổi xanh và được người dân địa phương xem như "báu vật"

Thanh Hóa từng được xem là "thủ phủ" của những rừng lim xanh nhưng theo thời gian, loài cây quý này bị khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt. Tuy nhiên, tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, nhờ sự chung tay gìn giữ của cộng đồng dân cư nên còn sót lại cánh rừng lim bạt ngàn, rộng hàng chục hecta.

Không ai dám chặt phá

Cẩm Tú là xã miền núi của huyện Cẩm Thủy. Nơi đây có rất nhiều đồi, núi thấp với rừng xanh bạt ngàn, tươi tốt quanh năm.

Nhắc tới rừng lim xanh tại xã Cẩm Tú, người dân không giấu được vẻ tự hào. Đây là khu vực duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa còn giữ được cánh rừng lim nguyên sinh có từ hơn 100 năm trước. Khu rừng trải rộng trên địa bàn 2 thôn Bắc Sơn và Thái Học, được giao khoán cho 9 hộ dân.

Ông Đỗ Xuân Lĩnh - ngụ thôn Bắc Sơn, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng lim xanh xã Cẩm Tú - là người luôn tâm huyết và tận tụy gìn giữ khu rừng này. Gia đình ông được giao khoán bảo vệ 4 ha rừng từ những năm 1990, đến nay đã trên 30 năm. Hằng ngày, ông cùng một số người trong tổ thay nhau đi tuần tra, dọn thực bì để phòng ngừa hỏa hoạn, lắp đặt các biển cảnh báo bảo vệ rừng.

"Rừng lim xanh được xem như "báu vật" của làng tôi. Khu rừng không chỉ giúp điều hòa môi trường mà còn có tác dụng giữ nguồn nước ngầm, chống xói lở đất nên dân làng ai cũng ra sức bảo vệ" - ông Lĩnh khẳng định.

Nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy và thành viên Tổ Bảo vệ rừng lim xanh xã Cẩm Tú bên một gốc lim cổ thụ

Những ngày nóng bức này, đi vào khu rừng lim nguyên sinh, chúng tôi cảm nhận không khí rất dịu mát. Len lỏi giữa khu rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến những thân cây lim to lớn, đường kính từ 1,5 đến 2 m. Những cây lim thẳng tắp, căng tràn nhựa sống, vươn mình giữa nền trời xanh. Khu rừng này có hàng ngàn cây lim. Ngoài ra, hệ sinh thái ở đây khá đa dạng khi có các thảm thực vật sống dưới tán rừng và nhiều loài cây xen kẽ như xoan, lát, sến...

Theo nhiều người dân thôn Bắc Sơn và Thái Học, dù rừng lim nằm ở ven đường giao thông nhưng hầu như không ai dám vào chặt cây, nhất là từ khi địa phương đưa khu rừng này vào hương ước để bảo vệ, chăm sóc và xem như vốn quý.

"Lim là cây gỗ quý, có giá trị kinh tế rất cao. Song, nếu chúng ta khai thác hết thì đến bao giờ mới có thể hình thành được rừng lim như hiện nay. Vì thế, dân làng chúng tôi quyết tâm bảo vệ khu rừng này cho con cháu mai sau" - ông Cao Văn Quyết, thành viên Tổ Bảo vệ rừng lim xanh xã Cẩm Tú, quả quyết.

Niềm kiêu hãnh của dân làng

Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, rừng lim quý ở xã Cẩm Tú luôn tươi tốt, tạo thành lá phổi xanh khổng lồ, cung cấp không khí trong lành cho người dân.

Ông Phạm Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, cho biết rừng lim này không chỉ mang lại nhiều lợi ích về sinh thái, môi trường mà còn là niềm kiêu hãnh của người dân địa phương.

"Vì vậy, cả người dân lẫn chính quyền đều quyết tâm bảo vệ khu rừng lim bằng mọi giá. Việc giữ gìn rừng lim không chỉ cho chúng tôi hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Từ đó, nhắc nhở thế hệ trẻ có trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của chúng ta" - ông Sử kỳ vọng.

Nhờ khu rừng này mà ngành lâm nghiệp có nguồn gien để nhân giống nhằm bảo tồn, phục hồi những cánh rừng lim đã bị khai thác cạn kiệt trước đây.

Rừng lim xanh hơn 100 tuổi tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy, rừng lim xanh xã Cẩm Tú hiện có 1.233 cây đường kính từ 0,6 - 1,5 m. Thậm chí, nhiều cây có thân lớn đến 2-3 người ôm không xuể. Giống lim ở đây thuộc họ lim xanh nằm trong nhóm I - cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Lê Xuân Cải, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết một số địa phương trên địa bàn còn những cánh rừng tự nhiên rộng lớn. Tuy nhiên, đa phần là rừng được tái sinh vài chục năm trở lại đây; còn rừng lim thuần loài, cổ thụ nhiều, đồng đều nhất thì chỉ có ở xã Cẩm Tú.

Ông Cải nhìn nhận: "Khu rừng ở xã Cẩm Tú không chỉ có giá trị lớn về sinh thái, môi trường mà còn giúp bảo tồn nguồn gien lim xanh quý hiếm của Thanh Hóa. Từ nguồn gien này, chúng tôi đang từng bước lựa chọn những cây bố mẹ để lấy hạt nhân giống, mở rộng diện tích lim xanh trên địa bàn nhằm phục tráng những cánh rừng lim xanh trước đây".

Công lao lớn của người dân

Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy, khu rừng lim ở xã Cẩm Tú gần như được bảo vệ tuyệt đối hơn 100 năm qua. Điều này cho thấy trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, muốn sống hòa đồng với thiên nhiên của người dân nơi đây.

"Đây là một trong rất ít cánh rừng lim xanh thuần loài còn sót lại, nhờ công lao lớn của người dân địa phương. Từ sự chung tay của cộng đồng, việc quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp giữa người dân, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trở nên rất dễ dàng" - ông Bảo đánh giá.

Ông Bảo cho biết hạt kiểm lâm huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi hỗ trợ thêm kinh phí cho Tổ Bảo vệ rừng lim xanh xã Cẩm Tú và các hộ dân được giao khoán rừng. Hiện nay, mức phụ cấp của nhà nước còn rất thấp.

Tác giả: Thanh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok