Rừng lim xã Lăng Thành có diện tích 106 ha, trải dài từ xóm 1 đến xóm 8 của xã này. Quần thể rừng lim có tuổi thọ hàng trăm năm, với nhiều cây lim lớn đường kính vài người ôm không xuể. Đây trở thành niềm tự hào và là khối tài sản vô giá của người dân xã Lăng Thành. Bởi ngoài giá trị về bảo tồn một loài gỗ quý đó còn là lịch sử, di tích văn hóa của cha ông truyền đời lại. Rừng lim này cũng là một trong những rừng lim cổ thụ hiếm hoi còn sót lại giữa vùng đồng bằng của tỉnh Nghệ An.
Gốc lim tại rừng đặc dụng bị cắt đến tận gốc.
Chính vì tầm qua trọng và giá trị lịch sử đó nên ngày 10/01/2014 tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 112/QĐ-UBND do ông Đinh Viết Hồng, PCT UBND tỉnh Nghệ An ký, về việc phê duyệt Quy hoạch rừng đặc dụng gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan huyện Yên Thành. Trong đó, rừng lim xã Lăng Thành cũng là một trong những diện tích được phê duyệt cần được bảo vệ đặc biệt và không được phép khai thác. Tuy nhiên, một số hộ dân chặt phá rừng lim để lấy đất trồng keo, tràm.
Một góc rừng đặc dụng bị đốt phá trơ trọi
Ngày 15/5, theo chỉ dẫn của người dân bản địa, chúng tôi có mặt tại khu vực Rú Chùa (thuộc xóm 3, xã Lăng Thành). Từ con đường nhựa lớn nhìn vào cách đó vài trăm mét có thể thấy một diện tích lớn rừng lim bị đốt. Trên diện tích đó một số lượng cây keo tràm đã được trồng bén rễ, xanh tốt. Tiếp tục leo lên ngọn đồi vượt qua sườn bên kia, người ta bắt gặp một cảnh tượng thật xót xa. Những cây lim được người dân nơi đây luôn tôn lên bằng “cụ”, bị chặt nham nhở, cành lá xơ xác.
Tiến vào gần hơn, chúng tôi phát hiện có một số gốc lim có đường kính khoảng 30cm bị cắt đến tận gốc bằng cưa máy. Xung quanh nhiều cây gỗ loại khác có đường kính từ 30 đến hơn 60cm cũng đã bị cắt tận gốc. Những gốc cây bị cắt được che đậy sơ sài bằng những cành, lá cây được chặt xuống còn thân đã được chuyển đi.
Lần theo vành đai khu rừng đặc dụng này, phát hiện nhiều diện tích rừng lim khác của xã Lăng Thành cũng bị đốt, cùng dấu tích máy xúc đào xới. Tại những diện tích này nhiều gốc cây bị xới tung lên và số lượng lớn keo, tràm đã được trồng thay thế.
Với cách bảo vệ như thế này liệu số lim trong rừng đặc chủng xã Lăng Thành còn đủ sức tồn tại được bao lâu trước sự tàn phá?
Tác giả bài viết: Xuân Hòa