Giáo viên hợp đồng ngoài chuyện lương thấp còn luôn thường trực mối lo mất việc vì bị cắt hợp đồng. Ảnh minh họa: Q.Anh |
Nguy cơ mất việc trước thềm năm học mới
Trong những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc hàng trăm giáo viên ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội có thể bị chấm dứt hợp đồng theo văn bản số 1020/UBND-NV kể từ ngày 1/9 tới. Điều này khiến dư luận quan tâm, tạo sự bất ổn, tâm tư cho các nhà giáo khi năm học mới đang đến gần.
Theo UBND huyện Thanh Oai, hiện huyện chưa chấm dứt hợp đồng lao động đối với bất kỳ giáo viên nào, chỉ bắt đầu từ ngày 1/9. Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ huyện Thanh Oai thông tin, sẽ đề xuất phương án hỗ trợ, tổ chức thi viên chức trong thời gian tới ở những nơi còn thiếu giáo viên. Như vậy, chỉ những trường thiếu giáo viên sẽ ký hợp đồng, hoặc phải thi đỗ viên chức do huyện dự kiến sắp tới sẽ tổ chức, nếu không các cô sẽ phải nghỉ dạy, tìm công việc khác.
Được biết, trong số hơn 400 giáo viên tại Thanh Oai thuộc diện chấm dứt hợp đồng, có nhiều giáo viên gắn bó lâu năm với nghề dạy học tại các trường học trong huyện, thậm chí có trường hợp hơn 20 năm dạy hợp đồng. Lương của các giáo viên hợp đồng chủ yếu là khoản trợ cấp hàng tháng rất ít ỏi, chứ không được tính bậc lương như các đồng nghiệp biên chế của trường. Để trụ lại với nghề, rất nhiều giáo viên đã phải tất tả làm thêm các công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Chia sẻ về nỗi buồn trước nguy cơ thất nghiệp ở thời điểm bước vào năm học mới, một giáo viên Trường THCS Cao Dương (huyện Thanh Oai) tâm sự: “Làm giáo viên hợp đồng nhiều năm nay, gắn bó với nhà trường và học sinh, tôi chỉ muốn được đến trường dạy học dù thu nhập thấp vẫn chấp nhận, công việc cũng giống như các đồng nghiệp biên chế khác. Nhưng vừa qua, nghe tin huyện cắt hợp đồng và giao cho các trường tự ký, tôi lo mất ăn mất ngủ, đang chờ nhà trường xem xét có tiếp tục ký hợp đồng nữa hay không. Giờ thi vào biên chế cũng khó, vì số lượng cũng có hạn mà đông người thi”.
Vì đâu nên nỗi?
Không chỉ riêng Thanh Oai, câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra tại Cà Mau với hơn 1.400 giáo viên hợp đồng cũng có khả năng mất việc. Trước đó, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Cà Mau, Đắk Lắk, Thanh Hóa… cũng đã lo lắng trước khả năng mất việc do huyện thông báo chấm dứt hợp đồng vì dư dôi giáo viên.
Từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp hè đến là hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên cả nước lại lo ngay ngáy năm học mới sẽ bị thanh lý hợp đồng. Nói về công việc của một giáo viên hợp đồng, nhiều người chia sẻ, tại các huyện của tỉnh, cơ hội dạy học là không nhiều vì chủ yếu là các trường công lập, không có nhiều trường tư như tại các thành phố lớn. Xin được một chân hợp đồng đã khó, công việc cũng đầy áp lực, luôn canh cánh nỗi lo bị cắt hợp đồng nếu có sơ xuất. Nhiều trường chỉ ký khoán với giáo viên hợp đồng không có lương, chỉ dạy tiết nào tính thù lao tiết đó, cũng không được đóng bảo hiểm. Nghỉ hè 2 tháng ở nhà không có lương, hết hè lại lo mất việc nếu địa phương sắp xếp giáo viên biên chế vào thế chỗ...
Chứng kiến câu chuyện nhiều giáo viên hợp đồng mất việc xảy ra hàng năm, GS.TS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Tôi đã từng đi nhiều quốc gia, chưa thấy nước nào có sự phân biệt giáo viên hợp đồng – biên chế như Việt Nam, cũng chưa thấy ở đâu mà giáo viên vì lương thấp mà phải đi dạy thêm, làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập nhiều như nước ta. Giáo viên chưa thực sự yên tâm với nghề vì nhiều lý do khác nhau. Điều này thể hiện ở chỗ, nghề giáo đã mất dần vị thế, ngày càng mất sức hút so với các ngành nghề khác. Nguyên nhân cũng chỉ là chuyện ra trường dễ thất nghiệp, lương thấp và công việc bấp bênh so với các ngành nghề khác”.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, các địa phương vẫn “loay hoay” chuyện thừa – thiếu giáo viên. Chỗ thừa thì thừa nhiều mà thiếu vẫn thiếu, nhất là giáo viên giỏi. Số lượng học sinh trong một lớp học nhiều nơi vượt gấp đôi, gấp 3 lần quy định. Do đó, cần mở rộng thêm cơ sở vật chất, lớp học đáp ứng nhu cầu học của học sinh qua đó sẽ giải quyết được việc làm cho giáo viên dư thừa. “Bộ GD&ĐT có dự kiến bỏ biên chế, chỉ có chế độ hợp đồng để các trường tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Theo tôi, điều này là phù hợp nhưng chắc là khó thực hiện. Nếu không giải quyết được việc làm, nâng cao chế độ đãi ngộ, sẽ khó mà nâng cao chất lượng giáo dục”, GS. TS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có Công văn số 170/CĐN gửi Hà Nội, trong đó đề nghị Công đoàn Giáo dục TP Hà Nội nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế, báo cáo với Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai giám sát việc ký hợp đồng lao động của Hiệu trưởng các trường và giáo viên đúng theo quy định của pháp luật; cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm tối đa cho số giáo viên này. Đối với giáo viên, người lao động phải chấm dứt hợp đồng thì cần có biện pháp giải quyết, hỗ trợ theo chế độ, chính sách bảo hiểm và can thiệp với các đơn vị liên quan để các thầy, cô được tiếp tục đóng bảo hiểm (nếu có nguyện vọng). |
Tác giả: QUANG ANH
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại