Thế giới

Giáo sư Mỹ vạch trần tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông

Giáo sư Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát phần lớn diện tích Biển Đông thông qua yêu sách chủ quyền phi lý của nước này, bất chấp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Giáo sư Mỹ vạch trần tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông - 1

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. (Ảnh: AFP)

Trong bài viết đăng trên báo The Hill của Mỹ ngày 28/7, Giáo sư James Holmes, Chủ nhiệm khoa Chiến lược Hàng hải tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, đã đề cập tới vụ việc căng thẳng giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam tại bãi Tư Chính gần đây, để thấy rõ tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực này.

“Trung Quốc đang tìm cách củng cố quyền kiểm soát từ 80 - 90% Biển Đông, bao gồm các vùng biển đã được quy định thuộc chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á theo “hiến pháp của các đại dương” - Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”, ông Holmes viết.

Giáo sư Mỹ cho rằng “trong trường hợp trên, hệ thống tự do về thương mại hàng hải, thương mại và quân sự đều bị đe dọa”. Theo đó, “những người ủng hộ tự do hàng hải phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống này”.

Theo ông Holmes, tự do hàng hải là “khái niệm tồn tại từ nhiều thế kỷ”. Những người hoạt động trên biển phải hiểu rõ nguyên tắc rằng tự do hàng hải là điều “bất di bất dịch”.

Giáo sư Holmes nhận định chiến lược Biển Đông của Trung Quốc mang tầm nhìn dài hạn.

“Từ năm 2009, Bắc Kinh đã đệ trình một bản đồ lên Liên Hợp Quốc, khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” chiếm trọn 80-90% Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền đồng nghĩa với việc một chính phủ chính là chủ thể đưa ra luật lệ hợp pháp đối với không gian địa lý được quy định theo đường biên giới. Nói cách khác, Trung Quốc tuyên bố họ có quyền yêu cầu các tàu và máy bay Trung Quốc cũng như nước ngoài được phép làm gì và không được phép làm gì trong phạm vi “đường chín đoạn”, tương tự cách luật pháp Trung Quốc quản lý công dân nước này và người nước ngoài trong phạm vi biên giới trên đất liền. Khi đó, Biển Đông sẽ trở thành phần kéo dài ra biển của lãnh thổ Trung Quốc”, ông Holmes cho biết.

Trong bài viết, giáo sư Mỹ đã đề cập tới vụ tàu khai thác dầu khí Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tháng này đã đi vào vùng biển gần bãi Tư Chính. Ông Holmes dẫn lời Giáo sư Emeritus Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, giải thích rằng, vùng biển xung quanh bãi Tư Chính nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ).

“Vùng đặc quyền có nghĩa là vùng đặc quyền: Hà Nội, chứ không phải Bắc Kinh, được hưởng quyền duy nhất để khai thác các tài nguyên tự nhiên từ vùng nước và đáy biển trong vùng EEZ của Việt Nam”, ông Holmes bình luận.

Theo Giáo sư Holmes, khi đi vào khu vực gần bãi Tư Chính gần đây, nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc còn có các tàu hải cảnh hộ tống. Chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc đang sử dụng lực lượng hải cảnh để theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Giáo sư Holmes cho biết tàu hải cảnh vốn là những tàu không được vũ trang hoặc được vũ trang hạng nhẹ, được sử dụng để thực thi nội luật, giải cứu người đi biển gặp nạn và xử lý một số công việc nhỏ. Chúng ít khi tham gia chiến đấu giống như các tàu hải quân. Giới phân tích nhận định, việc triển khai tàu hải cảnh, thay vì tàu hải quân, được cho là cách để Trung Quốc theo đuổi các yêu sách chủ quyền mà không cần xung đột vũ trang.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok