Nhiều vấn đề “nóng” quanh mùa tuyển sinh đại học sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia đang gây bàn cãi lớn trong dư luận: “mưa” điểm 10, “lạm phát” thí sinh điểm 3 môn xấp xỉ tuyệt đối và chuyện cộng điểm ưu tiên làm cán cân trúng tuyển vào các trường đại học nổi tiếng “khó nhằn nhất” ở Việt Nam nghiêng về các thí sinh được cộng nhiều điểm ưu tiên, nghịch lý 30 điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học…
Một câu hỏi nổi cộm được dư luận mổ xẻ chính là, liệu có nên cộng điểm ưu tiên hay không và nếu cộng, nên cộng bao nhiêu để đảm bảo công bằng cho các thí sinh?
Về tranh cãi này, GS Phạm Quang Hưng (ĐH Virginia, Mỹ) cho rằng, câu chuyện điểm ưu tiên năm nay dường như gây trăn trở cho xã hội nhưng có lẽ đó không phải là vấn đề lớn nhất. Theo ông, chuyện tuyển sinh đại học ở Việt Nam cũng rất khó so sánh với lối tuyển sinh của các đại học bên Mỹ.
Theo GS Phạm Quang Hưng, lối tuyển sinh quá trọng điểm số là nguyên nhân những bất cập. |
GS Phạm Quang Hưng cho hay, việc tuyển sinh bên Mỹ là một quá trình. Trong hồ sơ nộp đơn vào đại học, học trò thường phải có những tài liệu như sau: Đơn, bảng điểm 3 năm cuối của trung học, điểm chuẩn hóa SAT/ACT, bài luận (thể hiện về bản thân mình và nguyện vọng tương lai của mình), thư giới thiệu. Thời hạn nộp đơn kết thúc, văn phòng tuyển sinh của từng trường đại học sẽ họp để đọc từng đơn/ hồ sơ của các thí sinh.
Vị giáo sư Việt tại Mỹ tiết lộ, việc đọc đơn để tìm hiểu thí sinh sẽ mất vài tháng trời mới hoàn tất. Ứng viên được nhận vào đại học là kết quả của toàn bộ hồ sơ gồm nhiều yếu tố. Có nghĩa, điểm SAT hay GPA (trung bình học tập ở lớp) không phải yếu tố duy nhất.
“Họ để ý rất nhiều đến những gì học trò làm ngoài lớp để xem ứng viên có tư tưởng, kỹ năng, tố chất gì. Bảng điểm của 3 năm cuối cùng rất quan trọng để đánh giá sức học của ứng viên. Bài luận và thư giới thiệu cùng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng giúp hội đồng nhìn nhận rõ nhất góc nhìn, cá tính của thí sinh qua sự bộc lộ của chính em đó và qua đánh giá của các thầy cô. Đó là lý do tại sao việc xem xét đơn mất nhiều thì giờ”, GS Hưng chia sẻ.
Quay lại câu chuyện tuyển sinh đại học ở Việt Nam, GS Phạm Quang Hưng nhấn mạnh, chính lối tuyển sinh dựa vào tiêu chí duy nhất là điểm số đã dẫn đến những bất cập. Bởi lẽ, bất cập do “trông chờ hoàn toàn vào điểm” có thể đến bất cứ lúc nào: khi đề ra không tốt/ không đủ phân loại thí sinh/ quá dễ hay quá khó, khi các thầy cô giáo nới lỏng coi thi dẫn đến việc học sinh có thể gian lận đạt điểm cao, khi điểm cộng ưu tiên chưa hợp lý, chạy điểm…
Qua phân tích, vị giáo gốc Việt khẳng định, nếu chỉ dựa vào điểm số/ con số thì có nhiều vấn đề phức tạp. Ông cũng cho rằng, đa phần các đại học ở nước ta có lẽ chưa đủ nhân lực, chuyên môn và kinh nghiệm để làm tuyển sinh như Mỹ.
Theo GS Hưng, phương pháp đơn giản nhất là mỗi đại học tự cho thi và tuyển sinh dựa trên điểm thi của đại học, bảng điểm và các yếu tố khác mà nhà trường cho rằng có thể giúp trường tìm những sinh viên phù hợp với tiêu chí đào tạo của họ.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí