Lo lắng cho cả thế hệ sau này
Liên quan đến sự việc hơn 800 phụ huynh trường THPT Trần Ân Chiêm (Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) phản đối việc giải thể nhà trường, ngày 23/11 vừa qua, UBND huyện Yên Định đã có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện phụ huynh. Buổi đối thoại được chủ trì bới ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện cùng các phòng, ban có liên quan cùng đại diện Ban giám hiệu trường THPT Trần Ân Chiêm.
Tại buổi đối thoại, một lần nữa phụ huynh học sinh trường Trần Ân Chiêm đã nêu ra các bất cập xung quanh việc giải thể nhà trường.
Theo như Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 thì có 3 tiêu chí để lựa chọn trường giải thể. Trong đó tiêu chí thứ nhất là trường có chất lượng giáo dục thấp so với các trường THPT khác trên địa bàn, thứ 2 là trường có quy mô từ hàng 3 trở xuống (miền núi dưới 10 lớp, miền xuôi dưới 18 lớp), cuối cùng mới đến tiêu chí khoảng cách địa lý: Các trường THPT có khoảng cách dưới 5km.
Về quy mô và chất lượng giáo dục thì trường THPT Trần Ân Chiêm không thuộc đối tượng phải sắp xếp, giải thể |
Trong khi đó với trường THPT Trần Ân Chiêm, trường được thành lập năm 2001 với 22 lớp học, 900 học sinh và luôn đạt thành tích cao trong các Chương trình thi đua của Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa. Liên tục trong các năm từ 2015 đến nay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm trên 50% với xếp loại hạnh kiểm tốt trên 70%. Tỷ lệ tốt nghiệp năm 2016-2017 là 96,12%; số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh đều tăng qua các năm học.
Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, tập thể cán bộ giáo viên học sinh trường THPT Trần Ân Chiêm luôn giữ vững phong trào thi đua, vinh dự nhận được Bằng khen của UBND tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo. Cụ thể năm 2010, trường vinh dự đươc nhận bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2011-2012 nhận Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, ... và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh và Sở Giáo dục. Như vậy, về quy mô và chất lượng giáo dục thì trường THPT Trần Ân Chiêm không thuộc đối tượng phải sắp xếp, giải thể.
Bên cạnh đó, do đặc thù về địa lý nên cư dân trong huyện hiện nay tập trung sinh sống tại hai vùng chủ yếu Yên và Định, số lượng dân cư 2 vùng tương đương nhau, dẫn đến số lượng học sinh cũng như nhu cầu giáo dục là tương đương nhau.
Hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số 5 trường THPT nhưng có đến 3 trường được phân bố phục vụ giáo dục cho vùng Yên, vùng Định hiện tại có 2 trường.
Nếu như trường THPT Trần Ân Chiêm bị giải thể, đồng nghĩa với việc vùng Định chỉ còn duy nhất 1 trường THPT. Điều đó là vô cùng bất cập, và bất kỳ người nào cũng dễ dàng nhận ra điều này.
Rất nhiều vấn đề bất cập đã được phụ huynh học sinh nêu ra nếu trường Trần Ân Chiêm bị giải thể |
Mặt khác, nếu trường Trần Ân Chiêm bị giải thể, gần 900 học sinh của trường này sẽ được ghép sang các trường Yên Định 1, Yên Định 2, Yên Định 3 và Thống Nhất. Mặc dù khoảng cách của trường Trần Ân Chiêm đến trường gần nhất là trường Yên Định 1 chỉ khoảng 0.4km, tuy nhiên hiện tại số lượng học sinh trường Yên Định 1 đã đủ, thậm chí thừa học sinh, thiếu phòng học. Như vậy nếu cố tình ghép, thì trường Yên Định 1 tiếp nhận được 1 phần nhỏ số lượng học sinh. Số còn lại (khoảng 600 học sinh, tương đương 14 lớp) sẽ phải di chuyển đến các trường còn lại, trong khi đó khoảng cách phải di chuyển sẽ từ 8-40km.
Được biết, lãnh đạo các trường THPT còn lại trên địa bàn cũng thể hiện sự băn khoăn, lo lắng khi phải tiếp nhận các em từ khoảng cách xa, điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, bên cạnh đó cơ sở vật chất nhà trường không thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập (học 2ca/ngày).
Không chỉ lo lắng cho các em học sinh đang theo học tại đây, mà phụ huynh còn lo ngại cho thế hệ học sinh kế cận. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay trên địa bàn huyện, số lượng học sinh càng ngày sẽ càng gia tăng, nhu cầu được tiếp cận một nền giáo dục tốt sẽ bị ảnh hưởng nếu trường bị giải thể. Với khoảng cách đến trường quá xa như vậy, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ không thể được nâng cao, số lượng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng sẽ ngày càng lớn. Phụ huynh học sinh còn lo ngại khi con em đi học xa nhà, thiếu sự giám sát của gia đình, nhà trường sẽ dẫn các em đến với các tệ nạn xã hội.
Huyện sẽ đầu tư 100% tiền xây trường mới
Cũng trong buổi đối thoại, đại diện Ban giám hiệu trường THPT Trần Ân Chiêm cũng tỏ ra quan ngại nếu trường bị giải thể. Vị đại diện nhà trường cũng bày tỏ quan điểm mong muốn UBND tỉnh, Sở giáo dục cũng như UBND huyện Yên Định nên cân nhắc kỹ trong việc này, tránh những hệ lụy xấu sau này.
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề trên |
Còn ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, vào những năm 2011, khi đó huyện đã nhìn thấy sự bất cập trong việc con em vùng Định đang gặp khó khăn giáo dục.
“Năm đó, UBND huyện đã có chủ trương và tỉnh đã có quy hoạch chuyển trường Trần Ân Chiêm xuống khu vực Định Hòa, để tiện cho việc học sinh vùng Định được thuận tiện trong việc đến trường. Tuy nhiên sau đó nguồn vốn bị thắt chặt, việc xây trường mới bị bỏ giữa chừng, hiện huyện vẫn đang nợ tiền đơn vị khảo sát, thiết kế tư vấn từ thời điểm đó” – Ông Lâm cho biết.
Ông Lâm cũng thừa nhận những bất cập mà phụ huynh học sinh đã phản ánh, đó là nguyện vọng chính đáng, cần phải được xem xét: “Từ khi có chủ trương giải thể trường Trần Ân Chiêm, chính tôi cùng đồng chí Bí thư đã kiến nghị với tỉnh rất nhiều lần về vấn đề này. Hiện nay tốc độ phát triển của huyện nhà rất lớn, cấp mầm non và tiểu học đã rất lớn rồi. Sau đó UBND tỉnh có chỉ đạo Sở Giáo dục cần phải khảo lại lại cho kỹ càng. Nhận thấy nhiều vấn đề quá, tôi đã có ý kiến với tỉnh ủy, ủy ban cho chuyển trường Trần Ân Chiêm và khu vực xã Định Hòa hoặc Định Thành và huyện đối ứng 50%, tỉnh 50% để xây trường mới”.
Sau đó chúng tôi đã thống nhất nếu tỉnh đồng ý giữ lại trường Trần Ân Chiêm, huyện sẽ đầu tư 100% tiền xây dựng trường mới, huyện sẵn sàng tạm dừng các việc khác lại để đầu tư cho giáo dục, vì đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Huyện ta là huyện thuần nông, nếu không đi học để có tương lai thì có ở nhà làm nông.
Ông Lâm cũng cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên tỉnh về vấn đề này, cũng rất mong tỉnh lắng nghe ý kiến của người dân, xem xét kỹ tình hình thực tế, sao cho thấu tình đạt lý. Một mặt vẫn đáp ứng được việc kiện toàn bộ máy, cũng như quy hoạch hệ thống trường theo đúng nghị quyết. Mặt khác để học sinh được đi học, nâng cao chất lượng giáo dục”.
Tác giả: Quốc Huy
Nguồn tin: Báo Công lý