Được thành lập năm 1949, hiến chương của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) quy định các nước tham gia sẽ tìm kiếm thúc đẩy ổn định ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, đồng thời thống nhất các nỗ lực để phòng thủ tập thể và duy trì hòa bình – an ninh.
Ảnh: CNN |
Hiện khối này có 29 thành viên. Trụ sở của khối nằm ở Brussels, nơi lãnh đạo các quốc gia thành viên thường họp thượng đỉnh vào ngày 11-12/7.
Nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO có nghĩa là các thành viên duy trì quân đội riêng để chiến đấu trong trường hợp họ được yêu cầu bảo vệ một đồng minh. Vì mục tiêu đó, các thành viên phải chi một khoản tiền nhất định cho ngân sách quốc phòng của mình.
Năm 2006, NATO định ra mục tiêu chính thức, theo đó các thành viên phải chi cho quốc phòng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này được tái khẳng định tại hội nghị năm 2014. Tuy nhiên, nó chỉ được miêu tả là một "hướng dẫn" chứ không bị phạt nếu không thực hiện đủ.
Các quốc gia thành viên cũng phải thanh toán cho NATO các chi phí quân sự và dân sự chung chứ không một quốc gia đơn lẻ nào gánh chịu toàn bộ. Do vậy, chi tiêu quốc phòng trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa ông Trump và các thành viên khác.
Theo CNN, tuần tới, ông Trump sẽ tới dự cuộc họp thượng đỉnh của NATO, trù tính yêu cầu các lãnh đạo của khối phải thực hiện đúng yêu cầu.
Đây là vấn đề ông từng nhấn mạnh từ khi còn là ứng viên Tổng thống. Ông lên án các đồng minh không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và trả các khoản còn tồn đọng, trong khi trên thực tế, các khoản thiếu hụt xuất phát từ chính ngân sách quốc phòng hàng năm của họ.
Gần đây nhất, Tổng thống Trump than phiền tại một cuộc mít-tinh chính trị rằng Mỹ đang "chi cho 90% của NATO". Theo CNN, đây là một tuyên bố không chính xác, vì trên thực tế, tổng chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm khoảng 70% những gì tất cả các thành viên NATO chi cho quốc phòng cộng lại, nhưng không phải tất cả chi tiêu của Mỹ đều dành cho NATO.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump thường xuyên mô tả Mỹ buộc phải bảo vệ và chi tiền cho phần còn lại của thế giới, khiến người lao động và các ngành của Mỹ chịu thiệt hại. Những người thân cận nói ông xem NATO là ví dụ điển hình của việc Mỹ đang bảo vệ thế giới nhưng được nhận lại rất ít.
Thực tế, nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO chỉ được viện đến một lần, sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Mỹ.
NATO đã giúp dẫn đầu các sứ mệnh chống khủng bố sau thảm kịch này, và rốt cuộc dẫn dắt sứ mệnh tái thiết quân đội Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh xâm lược quốc gia châu Á này. Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế bao gồm binh sĩ từ tất cả các thành viên NATO.
Trong thư gửi tới các thành viên NATO tháng trước, ông Trump tái khẳng định các yêu cầu của mình. Ông viết cho Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng: "Chúng ta cần tìm ra cách vượt qua các trở ngại nội tại vì lợi ích an ninh tập thể".
Những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump là Barack Obama và George W. Bush cũng từng thúc ép các đồng minh NATO chi tiêu nhiều hơn cho quân đội của họ, nhưng cách tiếp cận của họ không quyết liệt như ông Trump.
Đương kim Tổng thống Mỹ còn thường xuyên nêu vấn đề chi tiêu quốc phòng ở gần như tất cả các cuộc hội thoại về NATO. Và trong bình luận cũng như thư từ gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới, ông Trump nói cam kết của Mỹ với NATO có thể bị đe dọa nếu chi tiêu không tăng lên.
Khi viết cho Thủ tướng Đức Merkel, ông cảnh báo "sẽ ngày càng khó giải thích cho người dân Mỹ hiểu vì sao một số nước không chia sẻ trách nhiệm an ninh tập thể của NATO, trong khi lính Mỹ tiếp tục phải hy sinh ở nước ngoài hoặc chịu thương tật trở về nhà".
Thực tế cho thấy, yêu cầu của Tổng thống Trump có tác động. "Các đồng minh giờ đây đang chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định hồi tháng 5 khi ông tới thăm Nhà Trắng.
Trước đó, hồi tháng 3, ông Stoltenberg nói rõ rằng các thành viên NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng trong 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên chỉ phần nhỏ thực hiện đúng yêu cầu 2% GDP.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet