Thế giới

Giải mã chuyến đi Triều Tiên của đặc phái viên Trung Quốc

Nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, ngày 17/11, tới Triều Tiên với tư cách là đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến đi được thực hiện giữa lúc Bình Nhưỡng đang chịu áp lực gia tăng vì chương trình phát triển vũ khí.

Chuyến đi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du 13 ngày tới châu Á, nơi ông kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên và thúc giục Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa.

Ông Song Tao. (Ảnh: SHM)

Giới quan sát cho rằng không nên quá mong chờ một giải pháp ngay tức thời cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Nếu có, chuyến thăm chỉ là một bước tiến tới làm ấm quan hệ Trung - Triều.

CNN dẫn lời John Delury thuộc trường Các nghiên cứu Quốc tế của Đại học Yonsei ở Seoul cho rằng, nhiều người đang trông mong một bước đột phá trong bế tắc về chương trình tên lửa hạt nhân, nhưng có vẻ như trọng tâm chuyến đi tập trung vào cải thiện kênh song phương.

Trước đó, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc đưa tin, đặc phái viên Song Tao sẽ thăm Triều Tiên trong tuần này. Đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc thăm Triều Tiên trong năm nay.

Theo Tân Hoa xã, ông Song sẽ chính thức thông báo với Đảng Lao động Triều Tiên kết quả Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình được bầu nhiệm kỳ 2.

Tong Zhao, một thành viên Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh, bình luận rằng nhiều khả năng bế tắc hạt nhân sẽ nằm trong nghị trình.

"Ngay cả nếu ông ấy thảo luận về chương trình hạt nhân Triều Tiên thì tôi không nghĩ quan điểm của mỗi bên về vấn đề này sẽ thay đổi đáng kể", Zhao nói với CNN. "Đó có thể là sự trao đổi thường lệ về các quan điểm lâu nay của họ".

Delury cho rằng, điều quan trọng là xem cách thức ông Song được đón tiếp ở Bình Nhưỡng, và chuyến thăm được truyền thông Triều Tiên đưa tin như thế nào. "Nếu ông ấy gặp Kim Jong Un thì sẽ là một thông điệp mạnh mẽ rằng Triều Tiên muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng tôi sẽ ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra".

"Cách Triều Tiên đưa tin về chuyến thăm, về những người sẽ gặp gỡ, và giọng điệu đưa tin sẽ cho chúng ta biết một số điều, rằng nó có tích cực hay không, có tiến bộ nào đạt được hay không…", ông Delury lập luận thêm.

Trung Quốc liên tục kêu gọi xuống thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, theo đó Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ-Hàn ngừng tập trận chung. Tuy nhiên, chính quyền ông Kim Jong Un thẳng thừng phản đối thương lượng ngoại giao gắn với từ bỏ chương trình hạt nhân.

Sự trao đổi ngắn qua thông điệp chúc mừng hồi đầu tháng 11 sau khi Đại hội Đảng của Trung Quốc kết thúc dường như cho thấy Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể đang nỗ lực hàn gắn quan hệ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không trực tiếp gặp gỡ, cũng không có chuyến thăm ngoại giao cấp cao nào giữa hai bên trong năm 2017 tính đến thời điểm này. Do vậy, hai bên cần thời gian để "bắt kịp", theo chuyên gia Delury.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok