Mở cửa lúc 8h30 sáng 7/3, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 36,77 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,85 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 ngàn đồng chiều mua vào và tăng 60 ngàn đồng bán ra so với cuối giờ chiều phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,92 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 80 ngàn đồng cả 2 chiều mua vào bán ra so với cuối giờ chiều ngày 6/3.
Tới đầu giờ sáng 7/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.331,5 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.334 USD/ounce.
Hiện giá vàng cao hơn 1,6% (+20,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 36,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, ngang bằng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao mới do đồng USD sụt giảm trong bối cảnh làn sóng phản đối chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump lên cao. Giới đầu tư lo ngại một cuộc chiến xảy ra giữa Mỹ và một số đối tác lớn trên thế giới sau khi ông Trump ra quyết định áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu nước ngoài và 10% đối với nhôm.
|
Trong một phản ứng đầu tiên, theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) đe dọa sẽ áp mức thuế 25% lên hàng hóa Mỹ nếu ông Trump ký sắc lệnh thuế nói trên trong tuần tới. Canada cũng cho biết sẽ đáp trả.
Trong nội bộ nước Mỹ, làn sóng phản đối cũng diễn ra khá mạnh. Một số yếu nhân trong Đảng Cộng hòa như chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan phản đối chính sách thuế này của ông Trump.
Làn sóng bán tháo USD lên cao do giới đầu tư lo ngại những bất ổn có thể xảy ra nếu Nhà Trắng không rút lại quyết định hoặc không giảm mức thuế đánh lên mặt hàng nhạy cảm thép và nhôm từ các nước khác vào Mỹ.
Lo ngại này không phải không có cơ sở bởi lịch sử cho thấy những lần Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại trong lịch sử đều nhận về kết quả không mấy tốt đẹp. Hầu hết các lần đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu trước đó đều đã nhanh chóng phải sửa đổi hoặc bãi bỏ do áp lực từ cả thế giới và trong nước.
Đồng bạc xanh giảm giá khiến hàng loạt các tổ chức cũng như nhà đầu tư lớn buộc phải mua vào vàng để bù đắp cho các lệnh bán không vàng trước đó.
Vàng tăng giá còn do giới đầu tư đang theo dõi sát các cuộc đàm phán giữa 2 miền Triều Tiên về vấn đề hạt nhật.
Ở chiều ngược lại, giới đầu tư kỳ vọng triển vọng đồng USD sẽ bớt u ám nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng này và công bố chi tiết hơn về kế hoạch đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong tuần, các nhà đầu tư cũng tập trung chú ý vào báo cáo việc làm của Mỹ vào tháng 2. Cuộc họp chính sách tiền tệ của NHTW châu Âu (ECB) vào ngày 8/3 cũng có thể tác động đến giá vàng nếu ECB bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Phân tích kỹ thuật cũng cho thấy, vàng vẫn trong xu hướng tăng giá. Ngưỡng kháng cự gần nhất là: 1.335 USD/ounce và sau đó là: 1.340 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất: 1.325 USD/ounce và sau đó là: 1.320 USD/ounce.
Trên thị trường vàng Việt Nam, đa số các cửa hàng vàng giảm giá vàng trong nước mua vào 10-20 ngàn đồng so với phiên liền trước.
Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 6/3, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,79 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,64 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,84 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Doji, giá vàng trong nước có xu hướng lùi dần về mức thấp và dừng chân quanh ngưỡng 36,8 triệu đồng/lượng. Ghi nhận trong ngày, lượng khách tham gia theo chiều mua vàng vào chiếm khoảng 60% trên tổng số lượng khách tham gia giao dịch tại doji.
Tác giả: V. Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet