Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Đình Quân |
Hơn 60 tham luận gửi về ban tổ chức và nhiều ý kiến đánh giá vai trò, giá trị thiêng liêng mà Di chúc để lại cho đời sau.
Bản di chúc toát lên lòng yêu nước
PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Sử học VN, đánh giá Di chúc của Bác Hồ là một văn kiện có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc, tài sản vô giá được xếp vào đỉnh cao giá trị kho tàng dân tộc VN. 50 năm qua, kể từ lúc Bác đi xa, đã có biết bao công trình nghiên cứu, giới thiệu về tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn của Di chúc Bác Hồ.
Theo ông Biên, Di chúc “tuy rất ngắn gọn, song chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm” của Bác Hồ, trong đó toát lên một giá trị của văn hóa VN là lòng yêu nước; phản ánh chân thực tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một “danh nhân văn hóa kiệt xuất”, “suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Đáng chú ý, PGS-TS Lâm Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho hay trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.
Theo ông Tuấn, đối với thanh niên trí thức trong điều kiện hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến hai chữ học tập. “Điều mới mẻ và khác biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là, quá trình học tập của người thanh niên trí thức, đồng thời phải là quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng”, ông Tuấn đúc kết.
Phải thường xuyên tự phê bình trong Đảng
Là người đầu tiên được mời phát biểu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải có bài tham luận “Thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân TP.HCM đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Theo ông Hải, trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế - văn hóa - xã hội, luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Tuy nhiên, soi lại những điều mà Bác Hồ hằng mong, thì TP.HCM vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP.HCM; chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp trong cơ cấu kinh tế; một số vấn đề xã hội bức xúc còn chậm được khắc phục; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây bất ổn…
“Công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn hạn chế, còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức; công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và xây dựng hệ thống chính trị chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, ông Hải đánh giá.
Theo thiếu tướng Cao Đình Kiểm, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Di chúc của Bác Hồ là phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”; đồng thời phải thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
TP.HCM vận dụng sáng tạo Di chúc của Bác Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết hội thảo phân tích sâu những vấn đề quan tâm đối với quá trình 50 năm TP.HCM thực hiện Di chúc. Theo ông Nhân, TP.HCM vận dụng sáng tạo Di chúc của Bác. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết hội thảo sẽ tìm giải pháp, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập của TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình. |
Tác giả: Đình Quân
Nguồn tin: Báo Thanh Niên