Mang đến nhiều trải nghiệm nhằm nâng cao sức hút của điểm đến đối với du khách. |
Nâng sức hút đối với du khách
Trong những năm gần đây, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” được đông đảo du khách biết đến và yêu thích. Với nhiều chương trình tham quan, khám phá để du khách có thể lựa chọn như: bến tàu Hoàng Long - chùa Sùng Nghiêm đền nghè Yên Vực (Phủ Vàng) - đền Cô Bơ; bến tàu Hoàng Long - Tượng đài nữ sinh - Thiền viện Trúc Lâm - đền cô Bơ; hoặc du khách có thể đi trên du thuyền ngược, ngắm danh lam, thắng cảnh đôi bờ sông Mã, thưởng thức những làn điệu dân ca, hò sông Mã và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh. Theo đó, khi tham gia các chương trình của tuyến “Ngược xuôi sông Mã”, hoạt động du lịch không chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm du lịch đường sông, ăn uống đặc sản mà du khách còn được phục vụ văn nghệ, có hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến, tham quan, mua sắm đặc sản địa phương tại các điểm dừng chân... khiến cho không khí trở nên sôi động, hấp dẫn.
Theo bà Mai Thị Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã: “Với giá tour trọn gói chỉ từ 300 - 500 nghìn đồng/người. Trong đó đã bao gồm 1 bữa ăn chính trên du thuyền, vé du thuyền trên sông Mã, hướng dẫn viên du lịch suốt tuyến, bảo hiểm du lịch, các hoạt động văn nghệ... Bên cạnh đó, tàu phục vụ du khách được thiết kế hiện đại, nội thất và không gian sang trọng. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi xác định đây là mức giá kích cầu, không thể giảm hơn nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, giảm giá không phải là giải pháp để thu hút khách du lịch, mà quan trọng là cần mang đến du khách những trải nghiệm hấp dẫn, đổi mới, với chất lượng dịch vụ tốt. Đến với “Ngược xuôi sông Mã”, du khách sẽ tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm suốt hành trình như: tham quan điểm đến đôi bờ sông Mã, phục vụ văn nghệ hò sông Mã, các làn điệu dân ca, tổ chức các hoạt động mini game... để du khách cảm thấy hành trình không nhàm chán. Và thực tế, rất nhiều đoàn khách sau đó đến là nhờ sự giới thiệu của các đoàn đã trải nghiệm trước đó”.
Nhắc đến du lịch cộng đồng, du khách thường nghĩ ngay tới những hoạt động mang tính tập thể như cùng ăn - cùng ngủ - cùng sinh hoạt. Thực tế, nhiều điểm đến như bản Ngàm (Quan Sơn); bản Đôn, bản Báng, bản Bầm, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh)... đã triển khai đến du khách nhiều trải nghiệm thú vị, kéo dài thời gian lưu trú và thu hút khách. Đến đây, du khách không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn, khám phá điểm đến mà còn được tham gia vào các hoạt động thường ngày của người dân như: bắt cá, gặt lúa, chế biến món ăn, chèo thuyền... Do đó, cũng dễ hiểu khi du lịch sinh thái cộng đồng được xem là sản phẩm “sinh sau, đẻ muộn”, tuy nhiên có sức hút lớn với du khách gần xa. Đặc biệt là khu du lich sinh thái cộng đồng Pù Luông, đến nay cơ bản đã đón được lượng khách ổn định trong cả 4 mùa.
Cần cách làm bài bản
Gia tăng trải nghiệm cũng là cơ hội để tăng chi tiêu của khách du lịch. Theo đó, hiện nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động phát huy những thế mạnh của mình để tạo các hoạt động trải nghiệm một cách bài bản, mang tính lâu dài. Nổi bật tại miền Bắc là Quảng Ninh - địa phương đi đầu trong việc phát triển du lịch với đa dạng các hoạt động tham quan, mua sắm, trải nghiệm... Minh chứng là kết quả ấn tượng trong năm 2019 của du lịch Quảng Ninh với trên 14 triệu lượt du khách trong đó có gần 6 triệu khách quốc tế; doanh thu đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, với mức chi tiêu trung bình đạt trên 2 triệu đồng và thời gian lưu trú bình quân đạt 2,7 ngày.
Tại Thanh Hoá, thực tế trong những năm gần đây, sự gia tăng về lượng khách nằm trong tốp đầu so với các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc miền Trung. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch vẫn còn hạn chế, chi tiêu trung bình của du khách còn ở mức rất thấp. Thực tế, khách du lịch đến Thanh Hóa chi tiêu phần lớn cho ăn uống và lưu trú (khoảng 80%), chứng tỏ các dịch vụ trải nghiệm còn rất ít. Theo đó, các dịch vụ du lịch bổ trợ khác không tận thu được các khoản thu đáng kể từ du khách.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL cho biết: "Hiện nay, Thanh Hoá đang bước vào đợt kích cầu du lịch lần 2, chúng tôi cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch (HHDL), định hướng cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, đẩy mạnh gia tăng trải nghiệm cho du khách. Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá, tạo nên sức hút đối với du khách khi đến với Thanh Hoá, mà thông qua đó các cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý tốt các vấn đề về giá cả, chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng giảm giá dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh và xa hơn là tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động trải nghiệm cần được khảo sát, xây dựng một cách bài bản, phù hợp với từng điểm đến, đáp ứng nhu cầu của du khách, mặt khác cần được phát huy để duy trì bền vững".
Được biết, hiện nay, cùng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú như Vinpearl, Mường Thanh, Cetral... cũng đã tính đến việc xây dựng phương án kích cầu bằng việc tặng thêm trải nghiệm, dịch vụ. Thay vì giảm giá dịch vụ lưu trú ở mức thấp nhất, đối với khách đoàn sẽ được tăng thêm city tour (tham quan một số địa điểm, khu vui chơi, giải trí tại TP Thanh Hoá, khám phá TP về đêm...), đối với nhóm khách lẻ sẽ được tặng kèm bữa ăn sáng hoặc các dịch vụ masage, xông hơi...
Có thể nói rằng, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch Thanh Hóa đã và đang có những chuyển biến tích cực. Trong đó, tỉnh đã tập trung xây dựng hoàn thiện, giới thiệu quảng bá và tổ chức khai thác đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển; du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sự kiện và du lịch mua sắm tại các làng nghề... Cùng với đó là nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách như: các lễ hội truyền thống; lễ hội Carnival đường phố; lễ hội tình yêu; các giải thể thao tầm cỡ; sự kiện âm nhạc... tất cả đều hướng đến việc gia tăng giá trị điểm đến, tạo nên sức hút từ những hoạt động trải nghiệm.
Tác giả: Hoài Anh
Nguồn tin: Báo Văn hóa & Đời sống