Trong kỳ họp lần 4, Quốc Hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào 23-10 tới, ai sẽ là người đảm đương cái ghế "nóng" của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)? Vị tân bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết những vấn đề đang rất "nóng hổi" của một bộ đang được coi là "ngốn" ngân sách nhà nước nhiều nhất hiện nay.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy gây phản ứng dữ dội trong dư luận vì đặt không đúng vị trí |
Trước mắt, có 4 vấn đề nóng mà vị tân bộ trưởng phải đối mặt, đó là:
1. BOT giao thông
Xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một chủ trương đúng nhưng gần đây gây dư luận không tốt trong nhân dân bởi lộ rõ nhiều sai phạm, nhất là đối với các dự án BOT có trạm thu phí đặt nhầm vị trí. Điển hình như các trạm BOT Cai Lậy, Biên Hòa, Quốc lộ 5. Liệu khi lên ngồi "ghế nóng", tân bộ trưởng Bộ GTVT có giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề đang rất "nóng" này hay không?
2. Hàng không quá tải
Các bộ trưởng tiền nhiệm lâu nay vẫn loay hoay với tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất cả trong và ngoài, cả trên trời và dưới mặt đất. Năm 2015, dự án thi công Sân bay Quốc tế Long Thành được thông qua. Theo kế hoạch, chậm nhất là năm 2025 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1. Tuy nhiên, hiện dự án này ngay cả nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng còn chưa đủ chứ chưa nói đến nguồn vốn cho thi công.
3. Đường sắt trên cao treo lơ lửng:
Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông từ dự toán ban đầu (năm 2008) là 552,86 triệu đã đội vốn lên 868,04 triệu USD. Kế hoạch đưa vào khai thác bắt đầu từ năm 2018 gần như phá sản do thiếu vốn. Ở TP HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đơn vị thi công đã nhiều lần đe dọa tạm ngưng nếu không được cấp thêm vốn. Vì vậy, kế hoạch đưa tuyến này vào khai thác trong năm 2020 cũng đang dần tiến tới phá sản.
4. Cao tốc Bắc Nam bao giờ thành hiện thực?
Có thể nói đây là dự án mang tính chiến lược, thay đổi diện mạo giao thông quốc gia nhưng hiện những con số về khối lượng hoàn thành vẫn còn quá ít ỏi 171/1300km. Kể cả với các dự án đang thi công thì đến năm 2020 cũng mới đạt khoảng 400/1.300km. Câu hỏi đặt ra: Nguồn vốn nào để tiếp tục hiện thực hóa ước mơ một con đường cao tốc với 4 làn xe hiện đại nối 2 đầu Hà Nội – TP HCM? Liệu ước mơ đó có thành theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra?
Trong những vấn đề trên, tiền là mấu chốt đầu tiên. Nếu có đủ tiền thì mọi vấn đề sẽ không còn "nóng" nữa, như Acsimet từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất". Vậy điểm tựa mà ngành GTVT mà tân Bộ trưởng hiện nay đang cần là gì để có thể "nhấc bổng" được vấn đề hiện đại hóa giao thông trong tình trạng nguồn vốn luôn luôn thiếu dù đã được huy động bằng nhiều cách?
Thiết nghĩ, để làm được điều này, chỉ còn cách duy nhất là kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài cùng bắt tay hợp tác. Nhưng chắc họ sẽ đang chờ xem tân bộ trưởng giải quyết các vấn đề nóng về BOT hiện nay như thế nào đã. Vì chỉ khi nào cảm thấy yên tâm lúc đó các nhà đầu tư mới dám mạnh tay rót tiền để biến khẩu hiệu "xã hội hóa giao thông" trở thành hiện thực.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Người lao động