Xe

Geely mua Lotus - tham vọng ôtô thể thao của Trung Quốc

Thương hiệu chuyên sản xuất xe thể thao của Anh, Lotus bắt đầu cuộc phiêu lưu mới khi về tay người Trung Quốc.

Hành trình lận đận của Lotus bước sang trang mới khi tập đoàn Geely hoàn tất thương vụ mua 51% cổ phần, chính thức nắm quyền kiểm soát hãng xe thể thao lâu đời nước Anh. Lotus trước đó thuộc sở hữu của tập đoàn Malaysia DRB-Hicom thông qua công ty con Proton.

Lotus Elise, một mẫu xe thể thao hai cửa có thể sản xuất tại Trung Quốc.

49% cổ phần còn lại do tập đoàn Etika Automotive nắm giữ. Jean-Marc Gales, CEO hiện tại của Lotus gia nhập hãng hồi 2014, tiếp tục tại vị dù công ty có chủ mới. Ba trong số trong năm vị trí của ban lãnh đạo Lotus do Geely chỉ định, còn lại là Etika.

Phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính Geely, ông Daniel Donghui Li đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Lotus. Mục tiêu của tập đoàn Trung Quốc là đánh thức tiềm năng và xây dựng Lotus thành một thương hiệu có sức cạnh tranh toàn cầu.

Trong nửa đầu 2017, Lotus bắt đầu có lãi khi doanh số tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng xe Anh ra mắt nhiều mẫu xe mới, đáng chú ý là Evora GT430, xe thể thao hai cửa sử dụng động cơ Supercharge V6 dung tích 3,5 lít, công suất 430 mã lực. Tốc độ tối đa 215 km/h, nhanh nhất trong lịch sử chế tạo của Lotus.

Xe thể thao Lotus Evora GT430. Ảnh: Autocar.

Nếu Proton là bàn đạp để Geely đặt chân đến thị trường Đông Nam Á, thương vụ Lotus thể hiện rõ hơn tham vọng bành trướng của ôtô Trung Quốc, đặc biệt phân khúc xe thể thao.

"Có thể xe Lotus sẽ được sản xuất tại thị trường đại lục. Chúng tôi hy vọng giúp Lotus thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu", Li Shufu, chủ tịch Geely nói về kế hoạch của công ty.

Lotus là hãng chuyên sản xuất xe thể thao và xe đua của Anh quốc, thành lập 1952 bởi hai kỹ sư Colin Chapman và Colin Dare. Thời kỳ hoàng kim của Lotus ở giai đoạn thập niên 60-70, doanh số chủ yếu tại thị trường châu Âu và Mỹ với những sản phẩm như Eclat, Elite, Seven...

Trước thời điểm 1980, Lotus lâm vào khủng hoảng tài chính lẫn doanh số. Đến 1986, Lotus bị General Motors thâu tóm. Bảy năm sau, hãng xe Anh rơi vào tay A.C.B.N. Holdings S.A, công ty của doanh nhân Italy, Romano Artioli, người khi ấy còn sở hữu thương hiệu lừng danh Bugatti.

Năm 1996, hãng xe Malaysia, Proton mua lại Lotus với hy vọng mở rộng sản xuất và tạo dấu ấn thương hiệu trên trường quốc tế. Tuy nhiên mọi thứ không như mong đợi, Lotus vẫn nhạt nhòa và hầu như "mất tích".

Lotus sẽ phát triển SUV theo xu hướng hiện tại để vực dậy hình ảnh thương hiệu.

Ngành công nghiệp ôtô thay đổi với nhu cầu SUV hiện tại, xe điện và công nghệ tự động trong tương lai, Lotus cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển để cập nhật xu thế, không còn thuần xe thể thao như trước.

Ra mắt SUV vào 2020 là mục tiêu của Lotus. Dưới nền tảng tài chính mạnh của Geely và hỗ trợ kỹ thuật từ thương hiệu tăng trưởng tốt Volvo, dự án của hãng xe Anh không quá phi thực tế, theo Carmagazine. Nhiều khả năng mẫu xe đa dụng mới của Lotus phát triển trên nền tảng CMA ứng dụng trên Volvo XC40.

Ngoài ra, Lotus Elise, mẫu xe thể thao hai cửa đang trong giai đoạn phát triển thế hệ mới. Tham vọng tấn công trở lại thị trường Mỹ.

Tác giả: Khải Biền

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok