Trước năm 2020 tỉnh Thanh Hóa có 635 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Sau khi sáp nhập thôn, xã, đến nay tỉnh còn 559 người làm trong lĩnh vực này, hầu hết có thời gian công tác hơn chục năm.
Bỗng dưng mất việc
Ngày 12/12/2019, Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh không còn chức danh cán bộ dân số xã. Gần 600 con người đang công tác trong lĩnh vực DS-KHHGĐ bị bỏ rơi, bơ vơ không có việc làm.
Anh Phạm Văn Công (37 tuổi), cán bộ DS-KHHGĐ xã Giao Thiện (huyện Lang Chánh) cho biết, anh học trung cấp y. Năm 2008, Bộ Y tế có Thông tư số 05 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương. Do đó, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã sắp xếp, bố trí cán bộ dân số xã là viên chức trạm y tế.
Anh Công đã có 10 năm công tác bỗng dưng mất việc |
“10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng những người làm công tác dân số như chúng tôi. Bỗng nhiên cuối năm 2019 lại cắt chức danh này khiến chúng tôi mất luôn việc làm”, anh Công bức xúc nói.
Cũng theo anh Công, trong suốt quá trình công tác, ngoài bằng cấp chuyên môn theo quy định, các anh còn được cử đi học, tập huấn các lớp nghiệp vụ do Chi Cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đào tạo, cấp chứng chỉ.
Chị Lê Thị Hồng (36 tuổi) học trung cấp điều dưỡng cũng làm cán bộ DS-KHHGĐ ở thị trấn Hà Trung 10 năm nay, từ ngày phụ cấp chỉ vài trăm nghìn đồng.
“Với mức phụ cấp không đủ tiền xăng xe mỗi lần xuống cơ sở nhưng nghĩ mình có bằng cấp thì sau này được tuyển dụng vào biên chế. Ai ngờ đến nay chúng tôi không còn có vị trí để làm. Chừng ấy thời gian mà làm công việc khác thì giờ chúng tôi đã ổn định rồi”, chị Hồng chia sẻ.
Vì sao Thanh Hóa không làm rõ chức danh dân số?
Ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2048 về việc bổ sung biên chế sự nghiệp y tế cho Thanh Hóa, tổng số 2.911 biên chế.
Theo đó, yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh thống kê, làm rõ chức danh cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tại trạm y tế xã. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp y tế) để thực hiện việc chuyển đổi nhân viên y tế hợp đồng lao động tại các trạm y tế cấp xã thành nhân viên chính thức.
Ngày 22/5, Bộ Y tế cũng có văn bản số 2822/BYT-TCDS về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ trong đó có nội dung nêu rõ: Đối với những tỉnh/thành phố đã tuyển dụng viên chức/chuyên trách dân số xã thì giao cho trạm ytế quản lý.
Văn bản của Bộ Y tế |
Đối với những tỉnh/thành phố chưa tuyển dụng được viên chức/chuyên trách dân số xã thì chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ.
Chị Hồng có bằng trung cấp điều dưỡng, suốt 10 năm qua mong chờ được tuyển dụng thì bỗng dưng lại mất việc |
Trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Thanh Hóa Đoàn Nam Hương cho biết, ngày 15/6, Sở đã có báo cáo, đề xuất với tỉnh về tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.
Theo ông Hương, trước năm 2020 toàn tỉnh có 635 cán bộ công tác DS-KHHGD xã, nay sáp nhập xã còn 559 người được hưởng phụ cấp bằng 0,7 mức lương cơ bản. 100% cán bộ dân số xã có bằng chuyên môn từ trung cấp trở lên và hầu hết đã được đào tạo kiến thức cơ bản về DS-KHHGĐ 3 tháng.
Sở Y tế báo cáo tỉnh, cho xin cho trạm y tế kiêm nhiệm vụ dân số |
Hiện nay, theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh không còn chức danh cán bộ dân số xã. Do đó, Sở Y tế đề xuất đối với cán bộ dân số xã giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác dân số.
“Hiện nay theo theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì không còn chức danh dân số. Hơn nữa những cán bộ này là thuộc bên chính quyền, không phải ngành dọc của Sở Y tế quản lý. Do vậy, để tuyển dụng những người này vào trạm y tế là vượt quá thẩm quyền của Sở. Cái này phải do tỉnh quyết định”, ông Hương cho biết.
Về vấn đề trên, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng cho biết, ông cũng rất trăn trở cho những cán bộ làm công tác dân số nhiều năm trước đó.
Tác giả: Lê Dương
Nguồn tin: Báo VietNamNet