|
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 vừa qua có gần 52% bài thi môn toán dưới điểm trung bình trên tổng số 88.000 thí sinh dự thi. Trong số này có 256 bài thi bị điểm 0.
Đây quả là con số gây sốc cho nhiều người quan tâm đến ngành giáo dục.
Do học sinh chưa quen dạng toán thực tế?
Đây là năm thứ hai Sở GD&ĐT TP.HCM ra đề toán thi vào lớp 10 mang tính thực tiễn cuộc sống và là năm thứ hai có tỉ lệ thí sinh dưới điểm trung bình môn toán trên 50%.
Đề cập đến vấn đề trên, một giáo viên dạy toán tại trường THCS quận 3 cho hay điểm môn toán thấp không phải vì đề quá khó. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh (HS) chưa quen với những dạng toán thực tế như thế. Mặt khác, dù mới chỉ triển khai hai năm nhưng năm nay có đến năm bài thực tế là quá dài và quá sức với HS.
“Tôi đồng ý với việc ra đề thi mang tính thực tiễn. Thế nhưng dù đổi mới thì Sở cũng nên thay đổi một cách từ từ để các em có thể bắt kịp. Nhiều em HS lớp 10 năm ngoái nhìn đề năm nay cũng thấy sợ” - thầy giáo này nói.
Cũng theo giáo viên trên, năm học này dù Sở đã công bố đề thi minh họa, cũng đã nói trước về việc cấu trúc đề sẽ cho những bài toán thực tế. Tuy nhiên, những thông tin này cũng rất chung chung, chỉ cho biết sẽ ra những bài toán thực tế ứng dụng kiến thức lý, hóa, sinh, sử, địa. “Cho nên ngay cả giáo viên chúng tôi cũng cảm thấy mông lung về dạng toán này chứ chưa nói đến HS. Bản thân tôi trong năm qua cũng rất băn khoăn vì không biết sẽ ra những dạng bài nào để ôn tập cho HS”.
Cùng quan điểm, một thầy giáo dạy toán tại huyện Bình Chánh chia sẻ dạng toán thực tế mới chỉ xuất hiện hai năm nay. Dù Sở GD&ĐT đã có những hướng dẫn và chỉ đạo nhưng giáo viên vẫn chưa nắm bắt được cơ cấu ra đề cụ thể, từ đó rất khó để rèn luyện và ôn tập cho HS. Mặt khác, khi ra toán thực tế thì phải… thực tế một chút chứ như đề thi vừa rồi có bài tính tiếng kêu của dế, trong khi đời thực chẳng ai rảnh ngồi tính tiếng kêu con dế.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Do HS vẫn còn học tủ?
“Không chỉ chưa quen với dạng toán thực tế mà chính cách học tủ của HS hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến số lượng điểm toán thấp” - thầy Trần Nam Dũng, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhận định.
Thầy Dũng cho hay nếu so sánh đề toán năm nay so với năm ngoái và so với đề thi của các tỉnh thì dễ hơn rất nhiều. Vậy tại sao tỉ lệ điểm toán dưới 5 lại lớn? Theo thầy Dũng, có hai lý do chính. Thứ nhất, hầu hết HS vẫn chưa bắt kịp với kiểu ra đề theo hướng đổi mới như trên. Thứ hai, HS vẫn có xu hướng học tủ nên khi gặp những dạng toán lạ thì sẽ không làm được.
“Khi theo dõi bảng điểm, tôi cũng khá bất ngờ. Có nhiều em khi thi chuyên được 8 điểm môn toán, thế nhưng điểm toán thi vào trường thường chỉ 5, 6 điểm. Điều này dễ hiểu vì với đề thi chuyên vẫn ra câu hỏi theo kiểu truyền thống, trong khi đề toán lớp 10 (thường) năm nay đã có sự đổi mới theo hướng thực tế” - thầy Dũng nói.
Theo thầy Dũng, năm nay đề toán không chỉ gói gọn ở lớp 9 mà có sự dàn trải kiến thức ở tất cả khối. Thế nhưng theo thói quen, giáo viên chỉ tập trung ôn luyện kiến thức lớp 9 nên khi gặp đề thi về kiến thức cũ, các em bị quên lãng. “Tôi đồng tình với kiểu ra đề này vì chung quy lại học toán cũng để phục vụ cho cuộc sống. Vậy nhưng để có kết quả tốt hơn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Sở GD&ĐT cho đến các trường THCS. Mặt khác, HS cũng cần thay đổi suy nghĩ, cách học để có thể nắm chắc kiến thức ở tất cả các lớp” - thầy Dũng nhấn mạnh.
Cần tính toán liều lượng đề thực tế
Chung suy nghĩ, một nữ giáo viên toán tại quận 11 cho hay nhìn tổng thể đề toán năm nay dễ và hay hơn năm vừa rồi. Đề phổ rộng kiến thức ở tất cả các lớp học. Vì thế muốn làm tốt các em cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản từ lớp 6 cho đến lớp 9. “Dù dạng toán này đã được Sở đưa vào ứng dụng hai năm nhưng dường như các em chưa quen, chưa theo kịp, trong trường các thầy cô cũng không có đủ thời gian để giảng thêm về dạng bài toán này. Cho nên mới có hiện tượng gần đến kỳ thi HS mới lo lắng, chạy xô đi học toán thực tế thì sẽ không hiệu quả” - cô này nhấn mạnh.
Cũng theo cô giáo trên, nếu sắp tới Sở GD&ĐT tiếp tục ra đề theo hướng đổi mới thì cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn cho các trường về dạng toán này. Sở cần có một giáo trình dạng toán trên, trong đó sẽ có nhiều dạng bài ra để giáo viên tham khảo và ôn luyện cho HS. “Cạnh đó, các trường cần có kế hoạch để trong chương trình môn toán có những tiết học riêng dành cho toán thực tế để các em nắm bắt” - cô giáo nói.
Tương tự, vị giáo viên toán THCS ở quận 3 đề nghị: “Nếu sắp tới Sở vẫn tiếp tục triển khai ra đề như năm nay thì tôi hy vọng Sở sẽ có một đề cương rõ ràng về dạng toán này. Mặt khác, trong các bài kiểm tra tại các trường cần thường xuyên ra các bài thực tế, ít nhất một đề nên có hai bài. Trong các chương học nên lồng ghép bài toán thực tế cho các em hiểu thêm. Ngoài ra, Sở GD&ĐT nên cho ít bài thực tế lại, khoảng ba bài là hợp lý” - vị giáo viên này nhấn mạnh.
“Đề có nhiều bài thực tế và hơi dài” Đề toán năm nay không ra theo hướng truyền thống, không đặt nặng tính hàn lâm, bắt thí sinh phải giải các bài toán theo kiểu cổ điển. Vẫn với công thức đó nhưng chúng tôi ra các dữ kiện thực tế yêu cầu các em tính toán. Năm nay có hơn 50% bài thi môn toán dưới trung bình, tương đương năm ngoái. Có điều năm nay đề toán đưa ra khá nhiều bài toán thực tế và đúng là đề hơi dài. Nhưng HS đã làm quen với dạng đề này hai năm nay. Chưa kể đầu năm học 2017-2018 Sở cũng đã công bố đề minh họa với những bài toán tương tự đề thi. Kết quả cho thấy năng lực giải quyết các bài toán thực tế cũng là vấn đề tiếp tục được Sở chỉ đạo các trường trong thời gian tới để đáp ứng với việc ra đề đổi mới. Dạng đề toán năm nay đòi hỏi HS khi đọc đề cần phải biết chọn những giả thiết nào là chính, quan trọng để làm bài. Vì câu hỏi sẽ cho nhiều dữ liệu mang tính dẫn dắt vào vấn đề chứ không giải quyết vấn đề. Nếu có kỹ năng làm bài tốt thì các em sẽ biết đâu là giả thiết quan trọng để giải quyết bài toán chứ không phải đọc kỹ từ đầu tới cuối sẽ rất mất thời gian. Rút kinh nghiệm từ năm nay, năm học tới các trường cần bổ sung nhiều bài dạng toán thực tế để các em rèn luyện. Và năng lực giải quyết các bài toán thực tế sẽ tiếp tục được Sở chỉ đạo và quan tâm hơn tới các trường trong thời gian tới. Việc ra đề toán năm nay sẽ là định hướng của Sở trong những năm tiếp theo. Đề sẽ được ra theo hướng kiểm tra, đánh giá năng lực thí sinh chứ không yêu cầu thí sinh làm bài máy móc. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |
Tác giả: NGUYỄN QUYÊN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM