Thế giới

Được và mất của Catalonia nếu tách khỏi Tây Ban Nha

Nếu độc lập, Catalonia có thể hưởng lợi trước mắt về kinh tế nhưng sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn để xây dựng một nhà nước non trẻ.

Một phụ nữ cầm cờ ly khai của Catalonia trên đường phố Barcelona hôm 2/10. Ảnh: Reuters.

Catalonia, một trong những vùng tự trị của Tây Ban Nha nằm ở đông bắc nước này, sẽ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong vài ngày tới, sau cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi hôm 1/10. Kết quả trưng cầu cho thấy hơn 90% cử tri Catalonia ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha.

Khát khao độc lập của người dân Catalonia xuất phát từ việc muốn có quyền tự quyết trong tất cả lĩnh vực, bao gồm văn hóa, chính trị, kinh tế. Lợi ích dễ thấy trước mắt nếu độc lập là quyền tự chủ về kinh tế nhưng Catalonia sẽ đối diện với nhiều thách thức khi bắt tay xây dựng nhà nước mới.

Nguồn thu thuế sẽ tăng

"Madrid nos roba" (Madrida cướp của chúng ta) là một khẩu hiệu phổ biến được sử dụng trong phong trào ly khai ở Catalonia. Người dân Catalonia cho rằng vùng tự trị của họ phải đóng góp vào ngân sách của nhà nước Tây Ban Nha nhiều hơn những gì họ nhận lại được từ đây.

Theo BBC, Catalonia chắc chắn giàu có hơn các vùng khác của Tây Ban Nha. Chỉ chiếm 16% dân số Tây Ban Nha nhưng Catalonia đóng góp đến 19% GDP của Tây Ban Nha và hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha.

Sức ảnh hưởng của Catalonia trong nền kinh tế Tây Ban Nha thể hiện rõ rệt nhất trong lĩnh vực du lịch. Năm ngoái, 18 triệu trong tổng số 75 triệu du khách quốc tế đến Tây Ban Nha chọn Catalonia làm điểm đến chính. Thành phố cảng Tarragona của Catalonia cũng là một trong những trung tâm hóa chất lớn nhất châu Âu.

Barcelona, thủ phủ của Catalonia là một trong 20 cảng biển hàng đầu của EU xét trên khối lượng hàng hóa được xử lý tại đây. 1/3 lực lượng lao động của Catalonia có trình độ đại học.

Thực tế, đúng là người dân Catalonia đóng góp thuế nhiều hơn mức ngân sách mà Madrid phân bổ cho họ hàng năm. Năm 2014, người dân Catalonia đóng thuế nhiều hơn 10 tỷ EUR so với mức chi tiêu công ở vùng của họ.

Liệu Catalonia có thể xóa bỏ chênh lệch này sau khi trở thành một nhà nước độc lập? Một số ý kiến cho rằng dù Catalonia thu được thuế nhiều hơn nhờ độc lập, chi phí để thành lập và vận hành các cơ quan công quyền mới sẽ ngốn hết phần dôi dư. Một số ý kiến nói rằng việc nhà nước Tây Ban Nha phân phối tài chính từ vùng giàu hơn sang vùng nghèo hơn là điều hợp lý.

Nhiều việc phải làm

Theo BBC, thoạt nhìn Catalonia dường như đã có những điều cần thiết để thành lập một nhà nước độc lập bao gồm quốc kỳ, nghị viện, lãnh đạo. Vùng tự trị này cũng có lực lượng cảnh sát riêng gọi là Mossos d'Esquadra. Catalonia có cơ quan quản lý phát thanh truyền hình riêng và thậm chí có các phái bộ ngoại giao, tức "các đại sứ quán mini" để thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Catalonia từ khắp nơi trên thế giới. Catalonia cũng đã tự cung cấp một số dịch vụ công như giáo dục và y tế.

Song trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập, họ có rất nhiều việc phải làm như kiểm soát biên giới, giao thông; xây dựng lực lượng hải quan, quốc phòng; thiết lập quan hệ quốc tế, ngân hàng trung ương và sở thuế vì tất cả các hoạt động này đều do Madrid điều hành. Nhưng giả định các cơ quan mới được thành lập, liệu Catalonia có đủ ngân sách để trang trải cho các hoạt động của chúng?

Theo nhà bình luận Ciaran Giles từ AP, sau khi tuyên bố độc lập, ngoài việc hạ quốc kỳ Tây Ban Nha xuống khỏi các tòa nhà chính quyền, nhà chức trách Catalonia khó có thể làm điều gì khác. Việc tuyên bố độc lập chỉ mang tính biểu tượng.

Ciaran Giles cho rằng Catalonia không có đủ lực lượng an ninh để thiết lập các đường biên giới, trong khi đó, các lĩnh vực quan trọng như thuế, ngoại giao, quốc phòng, các sân bay, cảng biển, tàu lửa đều được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Tây Ban Nha ở Madrid. Gần đây, Tây Ban Nha cũng kiểm soát gần như hoàn toàn hoạt động chi tiêu của Catalonia.

Cảng Barcelona, một trong 20 cảng lớn nhất ở EU. Ảnh: Reuters.

Nợ công đe dọa

Có lẽ mối lo ngại lớn hơn là khoản nợ công của Catalonia. Chính phủ Catalonia đang nợ 77 tỷ EUR, tương đương 35,4% GDP của vùng tự trị này. Trong số nợ này, 52 tỷ là khoản vay nợ từ chính phủ Tây Ban Nha.

Năm 2012, chính phủ Tây Ban Nha thành lập một quỹ đặc biệt để cung cấp tài chính cho các khu vực không thể vay mượn tiền từ các thị trường quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Catalonia là vùng được nhận được nhiều tiền nhất, khoảng 67 tỷ EUR kể từ khi quỹ này được giải ngân.

Sau khi tuyên bố độc lập, Catalonia sẽ không được tiếp cận quỹ này nữa. Câu hỏi đặt ra là nhà nước độc lập Catalonia trong tương lai sẵn sàng trả bao nhiêu nợ cho Tây Ban Nha?

Vấn đề đó sẽ phủ bóng lên bất cứ cuộc đàm phán nào giữa hai bên. Một vấn đề nữa là liệu Catalonia có buộc phải chia sẻ gánh nợ quốc gia của Tây Ban Nha hay không nếu tách khỏi nước này?

Không được công nhận

Chưa có nước hay cơ quan quốc tế nào bày tỏ ủng hộ đối với phong trào đòi độc lập của chính quyền Catalonia. Vì vậy, bất kỳ tuyên bố độc lập nào của Catalonia cũng có thể bị bác bỏ ngay từ đầu. Liên minh châu Âu (EU) đã sát cánh bên chính quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khi tuyên bố rằng Catalonia sẽ bị loại khỏi EU và không được sử dụng đồng tiền chung EUR nếu tuyên bố độc lập.

Về phương diện kinh tế, rất khó để dự báo liệu Catalonia có thể trụ vững sau khi tách khỏi Tây Ban Nha hay không. GDP hàng năm của Catalonia đạt khoảng 215 tỷ EUR, mức cao nhất trong số các vùng ở Tây Ban Nha và lớn hơn GDP của Hy Lạp. Song nhiều hàng hóa tại vùng này được nhà nước Tây Ban Nha cung cấp.

2/3 xuất khẩu của Catalonia đi vào EU. Catalonia cần nộp đơn xin gia nhập EU nếu vùng tự trị này tách khỏi Tây Ban Nha và việc đó sẽ cần sự đồng ý của tất cả nước thành viên, kể cả Tây Ban Nha.

Một số người trong phe ủng hộ độc lập cho rằng Catalonia có thể dàn xếp để đi theo mô hình quan hệ Na Uy - EU, tức là Catalonia không phải là thành viên của EU nhưng sẽ tiếp tục quan hệ chặt chẽ với EU với tư cách là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Tuy nhiên, EU có thể không ủng hộ Catalonia và Tây Ban Nha cũng sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn các nỗ lực thiết lập quan hệ kinh tế với EU của Catalonia.

Đối mặt với sự trừng phạt của Madrid

Ciaran Giles cho rằng trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập, Tây Ban Nha có hai sự lựa chọn chính. Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha cho phép chính phủ đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần quyền tự trị của bất cứ vùng nào nếu chính quyền của vùng đó không tuân thủ các cam kết hiến pháp hoặc tấn công các lợi ích chung của Tây Ban Nha.

Trước hết, Catalonia sẽ bị cảnh báo và nếu chính quyền vùng này tiếp tục không tuân thủ, các biện pháp xử lý tiếp theo sẽ được đưa ra thượng viện Tây Ban Nha để bỏ phiếu thông qua. Đây sẽ là vấn đề đơn giản đối với Thủ tướng Rajoy vì đảng của ông đang nắm đa số ghế tại thượng viện.

Các biện pháp xử lý tiếp theo có thể bao gồm đặt toàn bộ cảnh sát của Catalonia dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Nếu cần thiết, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha có thể được triển khai thực thi các biện pháp này.

Phương án gay gắt hơn là tuyên bố tình trạng bị bao vây nếu chủ quyền của Tây Ban Nha bị uy hiếp bởi tuyên bố độc lập của Catalonia. Động thái này có thể cho phép tạm ngưng các quyền dân sự và áp đặt thiết quân luật ở Catalonia. Biện pháp này cần được đưa ra thảo luận và thông qua tại hạ viện Tây Ban Nha. Đây là bước đi khó khăn vì đảng của ông Rajoy chỉ nắm thiểu số ở hạ viện.

Cả hai phương án đều khó có thể tiến hành ngay. Giáo sư luật hiến pháp Fernando Simon ở Đại học Navarra, Tây Ban Nha, cho rằng với cả hai phương án đều khiến Tây Ban Nha tiến vào một tương lai bất định.

Với tình hình hiện tại, thỏa hiệp là phương án tốt nhất cho các bên. Nhưng nếu cả chính quyền Tây Ban Nha lẫn Catalonia không chịu nhượng bộ, điều này rất ít khả năng xảy ra.

Cả hai bên đều nói rằng họ sẵn sàng đối thoại nhưng lại đưa ra các điều kiện không thể chấp nhận được cho đối phương. Thủ tướng Rajoy kiên quyết không thảo luận về một cuộc trưng cầu dân ý trừ phi hiến pháp thay đổi và mời chính quyền Catalonia cùng làm việc để thay đổi nó. Chính quyền Catalonia nói rằng quyền tự quyết của Catalonia phải được tôn trọng trước khi hai bên tiến hành đàm phán. Catalonia muốn EU can thiệp nhưng khả năng này khó xảy ra. Catalonia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế làm trung gian nhưng Tây Ban Nha sẽ không nhất trí điều này.

"Tình hình ở Tây Ban Nha đang thực sự nghiêm trọng", ông Simon nói.

Tác giả: Hồng Vân

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Catalonia , Tây Ban Nha , nhà nước

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok