Du lịch

Đừng tiết kiệm nữa, hãy chi tiền để đi du lịch!

Hóa ra không phải người có nhiều tài sản giá trị nhất trong đời là người “giàu có” nhất, mà người có nhiều trải nghiệm nhất mới là người thực sự “giàu có”, bởi người có nhiều trải nghiệm mới là người hạnh phúc hơn.

Trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng tiết kiệm tiền để có thể mua sắm những món đồ thời thượng theo trào lưu như điện thoại, xe hơi, phục trang hàng hiệu… Chúng ta nhìn chung đều đã quen với suy nghĩ rằng càng có nhiều tài sản vật chất, thì càng hạnh phúc.

Nhưng theo một nghiên cứu khoa học mới đây, điều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc dài lâu chính là trải nghiệm, đó là khi ta đi du lịch, tham gia những hoạt động ngoài trời, có những kỹ năng mới và tham quan những triển lãm, bảo tàng… để giúp ta có những phông kiến thức mới mẻ hơn, rộng lớn hơn.

Chúng ta tưởng niềm vui và sự hãnh diện đến từ chiếc điện thoại xịn mới mua sẽ bền lâu hơn chuyến tham quan du lịch tới một miền đất lạ, nhưng không phải.


Giáo sư Thomas Gilovich, giảng dạy chuyên ngành tâm lý học ở trường Đại học Cornell (New York, Mỹ) cho biết: “Một trong những kẻ thù của niềm vui, đó chính là sự thích nghi. Chúng ta mua các món đồ xa xỉ để khiến mình thấy vui, để thấy mình thành công, nhưng chỉ được một chốc thôi. Những món đồ mới khiến chúng ta cảm thấy phấn khích lúc ban đầu, nhưng khi mà chúng ta đã quen với chúng, niềm phấn khích liền mất đi”.

Nhìn thấy chiếc điện thoại xịn nằm trong tay từ ngày này sang tháng khác, khiến chúng ta quen với nó, dần dần, niềm vui đến từ chiếc điện thoại trở nên nhạt nhòa, nhưng với các chuyến đi thì khác, những trải nghiệm mới mẻ và cảm giác phấn khích mà chúng ta có, trở thành một phần làm nên bản thể, cá tính, cách suy nghĩ của riêng ta.

Hãy thử nghĩ xem: Điều gì tạo nên hiệu ứng lâu dài, lớn lao hơn khi bạn nhớ về thuở nhỏ? Một món đồ chơi yêu thích từng khiến bạn mê mải, hay một chuyến du lịch cùng với gia đình tới miền đất lạ? Bạn chắc chắn sẽ nhớ về chuyến du lịch thuở ấu thơ với những kỷ niệm vui khiến bạn vẫn còn mỉm cười mỗi khi nhớ lại, hơn là món đồ chơi yêu thích.

Nghiên cứu của giáo sư Gilovich với tiêu đề “Cuộc sống kỳ diệu: Trải nghiệm tiêu dùng và sự theo đuổi hạnh phúc” đã được đăng tải trên chuyên san Journal of Consumer Psychology (chuyên phân tích tâm lý người tiêu dùng), trong đó, giáo sư khẳng định rằng trải nghiệm là phần quan trọng hơn rất nhiều trong cuộc sống, so với những món đồ vật chất.

Bạn có thể thực sự thích những món đồ vật chất, bạn có thể thậm chí nghĩ rằng đó là một phần làm nên hình ảnh, cá tính, “cách nhận diện” tên tuổi của mình trong mắt mọi người, bởi mỗi khi nhớ đến mình là người ta nhớ đến những món đồ hàng hiệu này kia, nhưng không phải, những món đồ đó vẫn tách rời khỏi tính cách bên trong con người bạn.

Ngược lại, trải nghiệm trở thành một phần nội tâm của bạn. Chúng ta hoàn toàn được tạo nên bởi những trải nghiệm của chính mình.

Con người là một giống loài có đặc tính xã hội rất cao với những mối quan hệ xã hội đầy ý nghĩa, đóng góp vào mức độ hạnh phúc của mỗi cá nhân. Giáo sư Gilovich cho rằng một lý do khiến việc “mua trải nghiệm” đem lại sự thỏa mãn dài lâu hơn, đó là bởi những trải nghiệm thường đưa lại xúc cảm dễ dàng hơn, trải rộng hơn, sâu sắc hơn trong nội tâm mỗi người.

Những trải nghiệm khiến chúng ta trở thành một con người cụ thể nào đó, kết nối với những người khác, đưa lại cho chúng ta nhiều niềm vui, hạnh phúc, sự thỏa mãn.

Vậy điều gì còn ngăn bạn lại mà không chi tiền để thực hiện một chuyến du lịch trong mơ, tham gia một lớp học học nấu nướng hoặc ghé thăm một triển lãm mới mở ra tại viện bảo tàng…? Những điều này chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Tác giả bài viết: Hoàng Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok