Ý kiến trái chiều
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã vận động toàn dân đóng góp tiền để có kinh phí xây dựng chùa Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh).
Theo đó, mỗi người dân đóng góp ít nhất 20 nghìn đồng/năm; còn cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn thì đóng góp tối thiểu 2 ngày lương cơ bản/năm; các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đóng góp cao hơn với mức 500 nghìn đồng/năm. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn được kêu gọi đóng góp khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.
Số tiền người dân công đức sẽ được dùng để tôn tạo lại chùa |
“Chùa Phủ Na ở xã Xuân Du, chúng tôi không phải người xã đó thì tại sao chúng tôi phải góp tiền để xây. Hơn nữa, chúng tôi cũng không được hưởng lợi gì từ chùa cả. Số tiền đóng góp mặc dù cũng không phải lớn nhưng tôi thấy không hợp lí. Nói là không bắt buộc nhưng ở thôn có giấy về từng nhà, ghi từng khoản đóng góp, nếu không đóng đầy đủ thì đến khi họp thôn lại bị nhắc nhở”, một người dân chia sẻ.
Một người dân khác cho biết: “Ở cơ quan chúng tôi đã triển khai thu đợt 1 với 1 ngày lương, sắp tới sẽ thu lần 2 nhưng tôi không muốn đóng tiếp nữa vì bản thân tôi thì ít đi chùa chiền, hơn nữa không thấy lợi ích gì thực tế”.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có những ý kiến ủng hộ chủ trương dùng tiền của dân để xây chùa.
“Hàng năm, gia đình tôi đều lên chùa cầu sức khỏe, bình an cho cả nhà. Phủ Na là di tích tâm linh nổi tiếng của quê hương, tôi thấy việc đóng góp từng ấy để xây chùa thì cũng không phải là vấn đề lớn. Miễn sao số tiền tôi góp được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho người dân là tôi ủng hộ”, bà Lê Thị Nguyệt, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh bày tỏ.
Cứu nguy cho di tích khỏi "chết mòn"
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng văn hóa huyện Như Thanh cho hay, đền Phủ Na là di tích lịch sử văn hóa phối thờ Chúa Thượng Ngàn và nữ anh hùng bà Triệu. Hiện nay, Phủ Na đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được tôn tạo lại để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân. Từ đó, Ban thường vụ huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập Ban quản lí và Ban vận động quyên góp để xây dựng hạng mục Đền thờ Mẫu tại khu di tích.
Công trình có dự tính chi phí khoảng 12,5 tỷ đồng sẽ được thực hiện bằng nguồn tiền công đức của các năm và các nguồn huy động khác khoảng 7,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại vận động quyên góp từ nhân dân, là cán bộ công chức, các cá nhân, tập thể doanh nghiệp hay các đồng gia bản hội với tổng số tiền 5 tỷ đồng.
Theo ông Cương, quá trình vận động được thực hiện trong vòng 2 năm 2017 – 2018, đến thời điểm hiện tại đã thu được khoảng trên 1 tỷ đồng.
“Nhà nước không có kinh phí để đầu tư, vì vậy chúng tôi mới vận động kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Chủ trương này hoàn toàn thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân chứ không phải bắt buộc. Việc tôn tạo, phục dựng di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ sau, cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Hơn nữa, sau này khi Phủ Na đã có nguồn thu lớn từ du lịch, thì các nguồn thu này cũng sẽ được dành để đầu tư thêm các công trình phúc lợi của huyện, chứ không phải chỉ mình xã Xuân Du được hưởng lợi”, ông Cương nói.
Thực tế, việc người dân bỏ tiền túi để xây dựng chùa không phải là chuyện hiếm gặp ở nhiều nơi và cũng hoàn toàn là chủ trương tốt nhằm ‘cứu sống’ những di tích lịch sử văn hóa đang đứng trước nguy cơ “chết mòn” bởi sự tàn phá của thời gian và con người.
Tuy nhiên, làm sao để huy động hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa, không gây phản cảm trong dư luận rất cần sự cần trách nhiệm và khéo léo trong cách làm của những người đứng đầu.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.vn