Trước thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh), PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã bày tỏ quan điểm của mình.
Trước hết, về vấn đề bảo lãnh vay vốn để nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, theo ông Thịnh, không thể có ngoại lệ khi Chính phủ đã dừng bảo lãnh cho các khoản vay trong và ngoài nước của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.
"Nợ vay nước ngoài và nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, do đó phải dừng việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, kể cả DNNN lẫn doanh nghiệp tư nhân vay vốn.
Hơn nữa, nếu Chính phủ bảo lãnh do BSR vay vốn để thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì có công bằng với các doanh nghiệp tư nhân khác và các DNNN? Họ sẽ phản ứng thế nào?
Sẽ ra sao nếu các doanh nghiệp khác cũng đòi Chính phủ bảo lãnh vay vốn?
Nếu cứ phá lệ thì các quy định quản lý tài chính mà Chính phủ đề ra, trong đó có quy định tạm dừng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn sẽ không được thực hiện nghiêm túc.
Điều quan trọng của quản lý tài chính nói chung và quản lý tài chính công nói riêng là làm sao thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính.
Tình trạng nhiều dự án không hiệu quả chính là xuất phát từ kỷ cương tài chính không nghiêm, dễ dàng chấp thuận các đề xuất", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Vì thế, ông cho rằng, về vấn đề vốn để BSR thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nếu như có hỗ trợ thì Chính phủ nên xem xét một cách nào khác thay thế cho việc cấp bảo lãnh chính phủ để BSR có thể huy động được vốn trong và ngoài nước.
Khu bể chứa sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR |
Đối với đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc xem xét chấp thuận điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô Azeri từ Azerbaijan nói riêng và các loại dầu thô nhập khẩu khác nói chung cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất tương tự Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là 0%, vị chuyên gia tỏ ra không đồng tình.
Lý giải quan điểm của mình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, trong kinh tế thị trường, về nguyên tắc, doanh nghiệp phải tìm đầu vào hợp lý và nếu không nhập chỗ này thì nhập chỗ khác.
"Tại sao doanh nghiệp không nhập dầu thô ở quốc gia được hưởng mức thuế suất nhập khẩu bằng 0%?
Tất nhiên có thể xem xét mức thuế đang áp dụng với Dung Quất liệu có thể hạ xuống được không, nhưng quan điểm chung là phải theo thị trường.
Nếu không có điều kiện gì đặc biệt trong việc nhập khẩu dầu thô từ Azerbaijan thì doanh nghiệp phải tìm nguồn hàng phù hợp.
BSR muốn thuế thấp, lợi ích đầu vào cao thì phải tìm nhà cung cấp hợp lý, cũng giống như khi bán hàng trên thị trường, phải tìm môi trường hợp lý và giá cả phù hợp, có lợi nhuận chứ không phải đòi hỏi Nhà nước phải có lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Với Lọc dầu Nghi Sơn, trước đây Việt Nam đã có những ưu đãi về thuế cũng như cam kết nếu mức thuế xuống thấp thì ưu đãi thay đổi ra sao, sản phẩm của Nghi Sơn sẽ được bao tiêu thế nào...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đàm phán đã bị "hớ" và có sơ suất, từ đó đề nghị Việt Nam cần đàm phán lại với các nhà đầu tư bởi trong kinh tế thị trường, không có lý gì Nhà nước lại đi bù lỗ hay bao tiêu sản phẩm cho doanh nghiệp.
Vì những lẽ đó, đừng nên giẫm vào vết xe đổ của Lọc dầu Nghi Sơn và cũng đừng lấy Lọc dầu Nghi Sơn ra làm cái cớ để từ đó cho rằng phải có ưu đãi với Dung Quất tương tự như thế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Một đề nghị của Quảng Ngãi mà ông Thịnh cho rằng có thể xem xét nhưng phải đi kèm với điều kiện, đó là đề nghị cho phép BSR tiếp tục sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 như thiết kế cho đến khi hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Dung Quất.
Thực chất, việc sản xuất xăng dầu theo tiêu chuẩn Euro 2 hiện không còn phù hợp với Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, bắt đầu từ năm 2022, thực thi theo lộ trình của Chính phủ, BSR phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xăng dầu chất lượng cao (tiêu chuẩn Euro 5).
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, do dây chuyền công nghệ nhập về trước đây cũng như đòi hỏi với các doanh nghiệp như BSR trước đây là đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 nên yêu cầu nâng lên Euro 5 có thể xem xét và cần có thời gian thích hợp để doanh nghiệp chuyển đổi cho phù hợp.
"Dĩ nhiên phải có thời gian khống chế để buộc doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất xăng dầu theo tiêu chuẩn Euro 5 chứ không phải kéo dài mãi. Thời gian đó phải có kế hoạch cụ thể, đầu tư vốn cụ thể và các yêu cầu khác", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Tác giả: Thành Luân
Nguồn tin: Báo Đất việt