Kinh tế

Lọc dầu Nghi Sơn muốn xuất khẩu xăng

Kiến nghị xuất khẩu xăng được doanh nghiệp gửi tới Bộ Công Thương trong bối cảnh nhà máy chậm tiến độ vận hành thương mại hơn một năm.

Thông tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này nhận được kiến nghị của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) về việc cho phép xuất khẩu sản phẩm xăng trên cơ sở giá thị trường với sản lượng vài trăm nghìn tấn.

Hiện, Bộ này đang xem xét đề nghị của Lọc dầu Nghi Sơn trên cơ sở quy định tại Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể, theo Nghị định 83 thương nhân sản xuất xăng dầu có quyền xuất khẩu nếu đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn sản phẩm, cơ sở hạ tầng...

Bộ Công Thương cho rằng, nếu sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ là tín hiệu tích cực, thể hiện khả năng cạnh tranh của xăng dầu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên cơ quan này khẳng định, việc cấp phép cho Nghi Sơn xuất khẩu có thể được xem xét theo từng thời điểm, nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể, cân đối nguồn và không ảnh hưởng tới nguồn cung trong nước; cũng như tránh hiện tượng chuyển giá (nếu có).

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Dự án do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó). PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%... Tập đoàn dầu khí hiện chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính vốn góp tại dự án này do những vướng mắc liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Đầu tháng 5, nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD đã cho ra đời dòng xăng dầu thương mại đầu tiên, xuất xưởng hơn 5.000 m3 xăng RON92, song thời gian vận hành thương mại chính thức vẫn tiếp tục bị lùi lại, chậm hơn một năm so với kế hoạch. Báo cáo của PVN cho biết, lượng xăng dầu sản xuất ra của Nghi Sơn đến hết tháng 7 là trên 340.000 tấn.

Lo ngại sản phẩm của Nghi Sơn ra sẽ "ế", tại cuộc họp giao Chính phủ với các địa phương giữa năm, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đề xuất các bộ, ngành cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok