Số liệu thống kê từ cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy số các trường hợp người vi phạm hành chính về giao thông có quyết định xử phạt nguội đang tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Nếu như trong năm 2016, Cục chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm cho 2.800 trường hợp xe ô tô từ phía cơ quan cảnh sát giao thông thì đến năm 2017, chỉ tính đến ngày 15/9, danh sách này đã lên tới 16.000 trường hợp, trong đó chỉ có 5.500 xe đã chấp hành nộp phạt và được tiếp nhận kiểm định trở lại.
Cơ quan đăng kiểm tạm ngừng kiểm định cho phương tiện bị phạt nguội khiến nhiều chủ xe cảm thấy lo lắng. |
Nhiều tình huống dở khóc dở cười đã phát sinh xung quanh vấn đề này. Có những trường hợp như xe biển kiểm soát 51A 69…, chỉ trong vòng 1 năm từ 7/9/2016 đến 6/9/2017, thống kê có tới 43 lần vi phạm. Trong đó, có tới hơn 40 lần xe này đều phạm lỗi “Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định” và địa điểm vi phạm đều xảy ra ở một nơi (hầm Thủ Thiêm, TP.HCM). Tính ra, số tiền xử phạt cho chủ xe này có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Đây là tình trạng khá phổ biến với nhiều trường hợp chủ xe vi phạm luật giao thông và bị xử phạt nguội nhiều lần.
Mặc dù xe chưa tới thời hạn đăng kiểm nhưng sau khi nghe thông tin từ các phương tiện đại chúng, nhiều lái xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng không giấu nổi sự hoang mang vì trước đó, xe của mình đã từng được cho thuê, cho mượn mà không biết người lái có vi phạm và bị phạt nguội hay không.
Anh Nguyễn Văn Nam (Hà Nam) cho biết: “Nếu bây giờ, cho xe đi kiểm định mà phát hiện ra người thuê xe của mình vi phạm, lỗi cộng dồn lại, thực sự tôi không biết sẽ phải làm gì. Hợp đồng đã thanh toán rồi, muốn tìm người vi phạm để đòi tiền phạt cũng không biết tìm và đòi thế nào. Mỗi năm, doanh nghiệp cho thuê xe không biết chính xác có bao nhiêu người ngồi sau tay lái xe mình nữa”.
Anh Trần Hưng (Hà Nội) lại chia sẻ sự lo ngại: “Tôi nghe nói, nếu bị phạt nguội lên đến hơn 700.000 đồng thì sẽ bị tạm giữ bằng lái một thời gian. Vậy, nếu cho bạn bè mượn xe, chỉ cần họ vượt đèn đỏ một lần, bị phạt nguội là mình “lãnh đủ”.
Trách nhiệm của chủ xe khi người khác vi phạm không chỉ dừng lại ở đó. Nhiều phản ánh về tình trạng chủ xe bất thình lình nhận được “trát phạt vi phạm” mà bản thân không hề hay biết. Thậm chí, có những người mua đã thực hiện sang tên đổi chủ một thời gian nhưng đến khi xe không được kiểm định mới biết chủ cũ vi phạm và bị phạt nguội, chưa xử lý xong.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên là do việc thông báo xử phạt nguội đến với người dân bị chậm trễ hoặc không đến nơi khiến họ không ý thức được về lỗi vi phạm để từ đó rút kinh nghiệm.
Xử phạt nguội, nâng cao ý thức lái xe Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay: “Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ phạt nguội. Bởi lẽ, điều này sẽ tạo thành một thói quen cho người lái xe, giúp họ ý thức tuân thủ luật kể cả khi không nhìn thấy lực lượng cảnh sát giao thông trên đường bởi lúc nào họ cũng có cảm giác “mắt thần” camera dõi theo trên đường. Điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho họ, cho những người tham gia giao thông khác, đồng thời đảm bảo được nguồn tài chính cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay còn những khó khăn như người dân cũng muốn kiểm tra sớm thông tin bị phạt nguội để tránh tình trạng cùng một lỗi, vi phạm nhiều lần. Còn với trường hợp xe hợp đồng, xe cho thuê, tôi tin rằng tới đây các chủ xe cũng sẽ có những quy định mới ràng buộc trách nhiệm với người mượn, người thuê để đề phòng bị phạt nguội”. Bắt đầu từ ngày 12/10, người dân cũng đã có thể trực tiếp tra cứu thông tin về xử phạt nguội trên website của Cục, ở phần Tra cứu kiểm định xe cơ giới tại địa chỉ: http://www.vr.org.vn/ptpublic_web/ThongTinPTPublic.aspx
|
Tác giả: Đỗ Huệ
Nguồn tin: Báo Người đưa tin