Những ngày đầu tháng 4/2018, Đất Việt nhận được nhiều phản ánh của độc giả khi đến suối cá thần Cẩm Lương ngoài việc mua vé vào khu du lịch còn phải bỏ phí khi đi qua cây cầu treo dẫn vào điểm thăm quan.
"Muốn đến tham quan suối cá thần Cẩm Lương thì chỉ có một con đường duy nhất, phải đi qua cây cầu treo đó. Trước đây, khi cây cầu treo chưa được xây dựng thì việc đi vào suối cá thần có khó khăn hơn nhưng không chịu mất phí như bây giờ.
Nếu ai không đồng ý với việc thu phí này thì không còn đường nào khác ngoài... đi về" - một du khách tới suối cá thần Cẩm Lương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoài (30 tuổi, ngụ Q. Tây Hồ, Hà Nội) vừa đi thăm quan suối cá thần Cẩm Lương cùng gia đình về cũng giấu được sự bức xúc khi đi qua cây cầu treo dẫn vào khu du lịch phải mất phí.
Chị Hoài cho rằng, các du khách tới suối cá thần Cẩm Lương đã phải mua vé thăm quan thì chuyện bán vé - thu tiền đi qua cây cầu treo là không cần thiết.
"Mặc dù số tiền chẳng là bao nhưng tạo tâm lý ức chế, có cảm giác như tỉnh Thanh Hóa đang tận thu du khách khi đến thăm quan suối cá thần" - chị Hoài bày tỏ.
Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Xuân Định - Bí thư xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa xác nhận thông tin, đoàn khách muốn tới tham quan suối cá thần trên địa bàn ngoài việc mua vé thăm quan còn phải bỏ phí đi qua cầu treo từ 10.000 - 20.000 đồng/ lượt.
Cây cầu treo dẫn vào Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. |
Ông Định cho biết, việc thu phí khi qua cầu treo này được bắt đầu từ mấy năm trước khi huyện Cẩm Thủy xây dựng cầu đi vào khu du lịch suối cá thần.
"Việc thu phí này chỉ diễn ra với khách thăm quan, còn người dân bản địa sống bên kia cầu thì được miễn phí. Với khách nơi khác đến thăm người thân mà không phải đi thăm quan du lịch cũng không phải chịu phí nhưng phải có người thân ra xác nhận" - ông Định nói.
Cũng theo ông Định, việc thu phí do Ban Giao thông của huyện Cẩm Thủy đứng ra tổ chức, bán phiếu - thu tiền còn xã Cẩm Lương chỉ tham gia công tác quản lý chung trên địa bàn.
Một vị trong Ban quản lý khu Du lịch suối cá thần Cẩm Lương cũng cho biết, việc thu phí qua cầu không thuộc quản lý của Ban nên không rõ số tiền thu được từ việc thu phí qua cầu treo được sử dụng, phân bổ như nào.
"Cây cầu này chỉ có xe máy và xe ô tô 4 chỗ qua được. Còn những loại xe to hơn phải gửi ở bãi xe. Bãi xe này cũng do huyện quản lý, thu phí. Còn khi sang cầu có xe điện của khu du lịch chở dịch vụ với giá 27.000 đồng/ lượt" - vị này cho biết.
Được biết, suối cá thần Cẩm Lương là nơi có hàng nghìn con cá (nặng từ 2 đến 8 kg, cá chúa nặng tới 30 kg) hình thù rất lạ, đủ màu sắc. Ban ngày, đàn cá bơi ra khỏi cửa hang bơi lội, đến tối lại bơi vào. Đặc biệt, đàn cá này không sợ người và không ăn thịt hay thức ăn mà khách tham quan bỏ xuống.
Du khách tới thăm quan suối cá thần Cẩm Lương. |
Điều này khiến cho nhiều người khoác lên mình suối cá thần Cẩm Lương nhiều câu chuyện mê tín. Chính vì thế, ngoài việc thăm quan, vãn cảnh thì du khách tới đây cũng mang yếu tố tâm linh.
Có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên du khách thắc mắc về khoản phí phải đóng thêm khi đi thăm quan các danh lam thắng cảnh.
Đầu năm 2018, UBND TP. Uông Bí, Quảng Ninh cũng thu phí khách thăm quan 40.000 đồng/ lần/ người lớn và 20.000 đồng/ lần/ trẻ em đã vấp phải nhiều sự phản đối của dư luận. Bởi hiện nay, Yên Từ đã có rất nhiều dịch vụ thu phí như: phí cáp treo, phí gửi xe, phí đi xe điện… dẫn tới hiện tượng phí chồng phí.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đặt câu hỏi: "Việc bán vé vãn cảnh Yên Tử mà thực chất là bán vé vào chùa Yên Tử có phải là hành vi ngăn cản hay không?".
Năm 2009, tỉnh Phú Thọ cũng áp dụng thu vé khách đến Đền Hùng. Nhưng đến đầu năm 2017 quy định này được bãi bỏ do nhận thấy những bất cập, gây phiền hà cho du khách.
Chính từ việc bỏ thu phí mà mỗi năm lượng khách đến Đền Hùng tăng từ 10 - 15%. "Lượng khách tăng lên đáng kể nhờ tâm lý thoải mái, du khách không còn thấy bị phiền hà, ý thức tham gia, chấp hành các quy định về môi trường, cảnh quan cũng tốt hơn nhiều.
Dù bị mất đi khoản thu từ thu phí nhưng đổi lại Phú Thọ lại có được nguồn thu lớn từ tiền công đức tự nguyện, từ các dịch vụ ăn theo... Nếu đặt phép tính, thì việc bỏ phí còn được lợi nhiều hơn mất" - ông Lưu Quang Huy, nguyên Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết.
Tác giả: Liên Phương
Nguồn tin: Báo Đất việt