Trong tỉnh

Dự án thủy điện nghìn tỷ chậm tiến độ do vướng mắc đền bù

Cho rằng dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đền bù chưa thỏa đáng, số tiền không đủ để người dân xây dựng cuộc sống mới, nhiều hộ dân không chịu di dời khiến dự án chậm tiến độ.

Đi không được, ở không xong

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom làm chủ đầu tư nằm trên địa phận 2 xã Cẩm Thành, Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Dự án được khởi công từ năm 2013 với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng. Tổng số hộ dân phải di dời là 1.206 hộ, mục tiêu đến năm 2016 sẽ hoàn thành dự án, thế nhưng đã 5 năm trôi qua, dự án này đang bị chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1

Theo phản ánh của người dân các xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), mặc dù thuộc diện nhường đất cho dự án thủy điện Cẩm Thủy 1, nhưng vì chủ đầu tư dự án đền bù không thỏa đáng nên tới nay họ vẫn chưa đồng ý để di dời.

Hiện vẫn còn 29 hộ dân tại 4 xã trên chưa chấp nhận nhường đất cho dự án. Nhiều hộ dân cho biết, gia đình họ cũng mong muốn được di dời nhưng do đền bù quá rẻ mạt khiến họ lo sợ không thể làm nhà, tìm kiếm việc, có kế sinh nhai để ổn định cuộc sống khi rời đi.

Riêng tại xã Cẩm Thành, có khoảng 426 hộ dân thuộc diện phải nhường đất cho dự án, tới nay hiện có 9 hộ dân trong xã vẫn không di dời. Theo lí giải của các hộ dân này, họ không có nơi nào để đi bởi tiền đền bù chưa nhận, còn đất tái định cư thì cũng chưa có.

Bà Nguyễn Thị Ngát, thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành cho biết, gia đình nằm ở mặt đường quốc lộ 217, thuộc diện đền bù với giá cao, nhưng do địa chính xã và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện vẽ sai bản đồ thành vị trí đất trong ngõ nên chỉ được đền bù 200 nghìn đồng/m2 đất ở.

“Tổng diện tích đất của nhà tôi là hơn 1.100m2 thế nhưng chỉ được trả 402 triệu đồng. Số tiền này không đủ để mua đất, mua nhà tái định cư, rồi còn phải có kế mưu sinh nữa chứ. Chúng tôi đã làm đơn lên nhiều cấp ngành mong được xem xét lại cho thỏa đáng, hiện nay chúng tôi vẫn chưa biết là ở đâu cả, đi cũng không được, ở cũng không xong”, bà Ngát nói.

Nhiều hộ dân không chịu di dời vì cho rằng đền bù không thỏa đáng.

“Gia đình tôi cũng như nhiều hộ xung quanh, chỉ được đền bù 200 nghìn đồng/m2 đất ở, 17 nghìn đồng/m2 đất trồng cây lâu năm. Số tiền quá ít ỏi, thậm chí quy ra m2 đất không đủ mua một yến gạo. Tổng diện tích đất của nhà tôi là 600m2, cuối cùng chỉ được đền bù 45 triệu đồng thì chúng tôi không thể đi đâu được”, chị Hà Thị Điểm, thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành bày tỏ.

Vướng mắc đền bù

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Minh Tự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy cho biết: “Cẩm Thành là xã miền núi nên việc tổ chức đất tái định cư rất khó khăn, phức tạp. Đến nay mặt bằng tái định cư chưa có, chỉ có những khoảng đất ít trong diện tích tái định cư”.

Bà Mai Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy xác nhận, nhiều hộ dân đang vướng mắc việc đền bù là có thật.

Theo bà Hà, vấn đề này tỉnh đã giải quyết cho người dân, nhưng nhiều hộ dân vẫn không đồng ý mức giá bồi thường theo quy định.

“Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân nhận tiền bồi thường, nhường đất cho dự án, đối với các hộ mất đất ở, huyện sẽ hỗ trợ các hộ tiền thuê nhà 6 tháng, các hộ có nhu cầu đất ở huyện cũng bố trí đất ở cho các hộ ổn định sản xuất. Còn những hộ mất đất sản xuất, huyện sẽ hỗ trợ các hộ tìm kiếm ngành nghề khác, có thu nhập. Hiện chủ đầu tư đã có kế hoạch tích nước, chạy thử, huyện đang cố gắng hoàn thành giải phóng mặt bằng trước 30/5”, bà Hà khẳng định.

Được biết, theo dự kiến, nhà máy thủy điện sẽ tích nước và phát điện trong tháng 6/2018, tuy nhiên thực tế đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa di dời và chưa thể ổn định cuộc sống.

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 có công suất 28,8 MW nhằm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia và kết hợp làm hồ chứa, tăng đầu nước phục vụ tưới nông nghiệp. Kinh phí thực hiện dự án trên 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 481 ha.

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok